Progress Reports Progress Reports

Bức tường trước sóng biển

“Có dải rừng này, từ nay thôn tôi không còn lo bị bão nữa rồi,” chỉ tay về phía cánh rừng trước mặt, ông Bùi Quyết Chiến, thôn Yên Lộc, xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa tự hào chia sẻ lại hành trình trồng nên cánh rừng này.

Ông Bùi Quyết Chiến bên dải rừng ngập mặn mới trồng.

Đa Lộc là xã ven biển thuộc tỉnh Thanh Hóa, hàng năm phải hứng chịu rất nhiều cơn bão, ngập lụt, gây ra nhiều thiệt hại nặng nề về nhà cửa, tài sản, vườn tược và cả tính mạng người dân. Trước tình hình đó, nhiều cuộc họp từ xã đến tỉnh đã được tổ chức để bàn giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại, phòng chống thiên tai cho các địa phương ven biển, và một trong các giải pháp được ủng hộ của cả chính quyền và người dân là trồng rừng ngập mặn ven biển.

Theo lời ông Chiến kể lại, vào những ngày đầu triển khai, mọi người ai cũng nghĩ trồng rừng ngập mặn là đơn giản, tuy nhiên khi bắt tay vào làm thì nhận ra công việc này chẳng dễ chút nào. Thiếu vốn, thiếu kiến thức, kỹ thuật trồng rừng, chưa có nhiều kinh nghiệm cùng việc thủy triều lên xuống thất thường, mùa trồng rừng lại cận kề với mùa mưa bão đã khiến cho việc vận chuyển cây giống để trồng gặp nhiều khó khăn.  Công việc trồng rừng rất vất vả và đòi hỏi nhiều kỹ thuật, ông Chiến chia sẻ, mới đầu cắm cây xuống chưa kịp bén rễ đã bị sóng biển nhổ lên, trồng đi trồng lại mà chẳng còn được mấy cây.

Tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm trồng rừng để ngăn gió bão, giờ đây, xã Đa Lộc đã gặt hái được nhiều thành tựu trong việc trồng và phục hồi rừng ngập mặn. Đây là thành quả của sự phối hợp giữa chính quyền và người dân, cùng hỗ trợ từ dự án của Quỹ Khí Hậu Xanh (GCF) về tăng khả năng chống chịu vùng ven biển, các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người dân trồng rừng, cung cấp cây giống, hướng dẫn dùng tre đóng thành hàng dày, tạo thành bức tường giảm sóng, cùng các phương pháp trồng, cắm cọc buộc giữ cây, chăm sóc bảo vệ rừng và tạo lối cho tàu thuyền không đi vào khu trồng rừng.

Chỉ vào khu rừng ngập mặn vừa mới trồng, ông Chiến chia sẻ: “Người dân chúng tôi rất phấn khởi khi có thêm dự án của Quỹ Khí hậu Xanh hỗ trợ trồng rừng ngập mặn cho các xã ven biển, trong đó có xã Đa Lộc. Cánh rừng này không chỉ bảo vệ cho người dân của xã Đa Lộc chúng tôi mà còn cả các xã khác như Hưng Lộc, Ngư Lộc và Minh Lộc, vì đây là đoạn đê xung yếu nhất”.

Dải rừng chắn sóng xã Đa Lộc.

Rừng ngập mặn được coi như một tấm lá chắn màu xanh bảo vệ con người, nhà cửa, và ruộng đồng khỏi thiên tai, bên cạnh đó còn mang lại nhiều lợi ích về kinh tế. Ông Nguyễn Viết Nghị, điều phối viên dự án tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Tính đến nay, dự án Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam đã và đang tổ chức cho người dân địa phương trồng phục hồi khoảng 350ha rừng ngập mặn nhằm phủ xanh các bãi bồi ven biển, cũng như trồng bổ sung cho những diện tích rừng chất lượng kém để tăng khả năng chắn gió bão”.

Rừng trồng mới dự án GCF trên bãi bồi ven biển xã Hưng Lộc

Hơn hai mươi năm qua, những nhành cây đầu tiên được trồng trên bãi bồi của xã Đa Lộc nay đã phát triển xanh. Gần 1,000 ha rừng ngập mặn đã được phục hồi và trồng dọc bãi bồi ven biển từ Hậu Lộc đến Nga Sơn, tạo thành bức tường thành vững chãi trước gió bão, sóng biển và bảo vệ các xóm làng bình yên mỗi mùa mưa bão.

Theo Lê Quang Hạnh