Progress Reports Progress Reports

Lồng ghép nội dung Phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội tại địa phương

Thừa Thiên - Huế, ngày 7 tháng 4 năm 2022 - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo phổ biến Thông tư số 10/2021/TT-BKHĐT về hướng dẫn lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai (PCTT) vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội.

Chia sẻ về tầm quan trọng của Thông tư mới và các giải pháp thực hiện, ông Trần Anh Dũng - Phó vụ trường Vụ Kinh tế nông nghiệp, Bộ KHĐT cho biết: “Những thay đổi, bổ sung trong Thông tư 10/2021/TT-BKHĐT nhằm tập trung xử lý những bất cập, vướng mắc đang phát sinh trong quá trình triển khai Thông tư số 05/2016/TT-BKHĐT, cập nhật các văn bản pháp lý đã được thay đổi như Luật Đầu tư công năm 2019; đặc biệt là điều chỉnh, bổ sung một số nội dung quy định tại thông tư để phù hợp thực tế hơn, như: chỉ rõ bản chất, nội dung và quy trình thực hiện lồng ghép để cho sát hơn với lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai; hướng dẫn cụ thể hơn cách thức lựa chọn các biện pháp phòng chống thiên tai để sử dụng lồng ghép. Điều này giúp các bộ, ngành và địa phương có đủ cơ sở, không bị lúng túng trong việc lựa chọn các biện pháp PCTT đưa vào lồng ghép.”

Hội thảo có sự tham gia trực tiếp và trực tuyến của trên 100 đại biểu. Trực tiếp tham gia hội thảo có các đại diện đến từ Bộ KHĐT, Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NN-PTNT, UNDP, sở Kế hoạch đầu tư Thừa thiên Huế, sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Nam Định, và đại diện cấp huyện cùng các chuyên gia, cán bộ, các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế. Tham dự Hội thảo trực tuyến có đại diện của các Sở KHĐT, Sở NN&PTNT các cơ quan ban ngành, các viện nghiên cứu, các tổ chức xã hội dân sự tham gia từ 75 đầu cầu trực tuyến.

Với sự trợ giúp kỹ thuật của UNDP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 10, thay thế cho Thông tư 05/2016/TT-BKHĐT trước đây, với những điểm mới, mang tính thực tiễn, cập nhật hơn, và đi vào cuộc sống thực chất hơn về việc hướng dẫn lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội. Theo đó, các nội dung được bổ sung gồm: Xây dựng quan điểm, định hướng lồng ghép nội dung PCTT; Lựa chọn biện pháp PCTT phù hợp; Định hướng lồng ghép các biện pháp PCTT; Lồng ghép giới, các giải pháp dựa vào tự nhiên bao quát cả ba giai đoạn trước, trong và sau thiên tai, và giám sát, đánh giá kết quả thực hiện lồng ghép nội dung PCTT.

Phát biểu tại hội thảo, ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Biến đổi khí hậu và Môi trường, Trợ lý Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh: “Hội thảo phổ biến Thông tư hôm nay rất có ý nghĩa, đặc biệt khi Việt Nam bắt đầu triển khai chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của 10 năm và 5 năm tới, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và giảm phát thải khí nhà kính thực hiện các cam kết khí hậu tại hội nghị COP26. Triển khai hiệu quả Thông tư này sẽ giúp giải quyết được một số vấn đề quan trọng trong việc giảm rủi ro thiên tai, tăng cường khả năng chống chịu cho cộng đồng địa phương, các cơ sở hạ tầng.”

Trong nội dung của Thông tư, các biện pháp PCTT được lựa chọn để lồng ghép bao gồm: Biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động của thiên tai đến quá trình phát triển KT-XH; biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường và làm tăng nguy cơ thiên tai; biện pháp xây dựng hệ thống hạ tầng kết hợp mục tiêu PCTT.

Tại hội thảo, đại diện đến từ các tỉnh ven biển đã trình bày tham luận về tình hình thực tế và chia sẻ những bài học kinh nghiệm. Theo đó, nhiều địa phương đang chủ động thực hiện lồng ghép nội dung PCTT vào phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang áp dụng Thông tư mới “trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022 và định hướng giai đoạn 2022-2025”, “ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, điều hành PCTT, phục vụ cộng đồng.”

Thông tư số 10 đã đưa ra những giải pháp thực tế nhằm giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó BĐKH - một nhiệm vụ ưu tiên trong Chiến lược Quốc gia về PCTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt bởi chính phủ Việt Nam.

Ngoài ra, hội thảo phổ biến Thông tư số 10 cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề giới trong công tác lồng ghép PCTT vào kế hoạch phát triển bền vững, cũng như nâng cao nhận thức, kiến thức cho cộng đồng về thiên tai và BĐKH.

Đây là một hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” do Quỹ Khí hậu Xanh (GCF), chính phủ Việt Nam và UNDP tài trợ.

Để biết thêm thông tin, xin mời liên hệ:

Phan Hương Giang,

Cán bộ báo chí và truyền thông, Biến đổi khí hậu và môi trường, UNDP

Email: phan.huong.giang@undp.org

ĐT: 0948466688

 

Vũ Thái Trường,

Cán bộ quản lý chương trình, UNDP

Email: vu.thai.truong@undp.org