Thông cáo báo chí Thông cáo báo chí

Tăng cường hợp tác chiến lược GCF - Việt Nam giúp nâng cao khả năng chống chịu với tác động của biến đổi khí hậu, thực hiện tăng trưởng xanh và NDC
Ngày đăng 13/06/2018 | 11:07

Hà Nội, ngày 26/6/2017 - Nhân chuyến thăm đầu tiên của Ngài Howard Bamsey, Giám đốc Điều hành Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) đến Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KHĐT) đã tổ chức Hội thảo hợp tác nhằm thảo luận cách thức GCF hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy việc thực hiện các hoạt động để đạt được mục tiêu nâng cao khả năng chống chịu với tác động của BĐKH và tăng trưởng xanh. Các đại biểu tham dự bao gồm đại diện các Bộ, ngành chủ chốt, bảy tỉnh tham gia dự án mới do GCF tài trợ, các cơ quan thực hiện đa phương tại Việt Nam được GCF công nhận, các đối tác phát triển, các cơ quan thực hiện quốc gia tiềm năng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam), một số ngân hàng thương mại & công ty tư nhân, và các cơ quan truyền thông quốc gia.

Mục đích chuyến thăm và làm việc đầu tiên của Giám đốc Điều hành GCF là tăng cường hợp tác chiến lược giữa GCF và Việt Nam. Chương trình làm việc của Giám đốc Điều hành GCF tại Việt Nam bao gồm các buổi làm việc xã giao với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, công bố dự án đầu tiên được GCF tài trợ tại Việt Nam và chuyến thăm địa bàn thực hiện dự án tại tỉnh Thanh Hoá. Đoàn công tác của GCF cũng sẽ gặp và thảo luận với các cơ quan thực hiện quốc gia tiềm năng của GCF bao gồm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).

Công bố dự án đầu tiên do GCF tài trợ tại Việt Nam:

Trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra lễ công bố dự án đầu tiên tại Việt Nam do GCF tài trợ - Dự án “Tăng cường năng lực chống chịu với tác động của BĐKH cho các cộng đồng cư dân ven biển tại Việt Nam” với số tiền tài trợ là 29,5 triệu Đô la Mỹ. Dự án được xây dựng trên cơ sở hợp tác giữa Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Xây dựng và Bộ KHĐT (Cơ quan thẩm quyền quốc gia của Việt Nam với vai trò tiếp cận nguồn lực hỗ trợ của GCF). Dự án này sẽ tập trung hỗ trợ các cộng đồng dễ bị tổn thương, dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai tránh khỏi những tác động do những trận bão lũ thường xuyên xảy ra, và cải thiện được sinh kế của các cộng đồng cư dân này. Các vùng đệm của rừng ngập mặn sẽ được tái tạo và trồng lại, và người nghèo sẽ được hỗ trợ để xây dựng những ngôi nhà có thiết kế chống chịu với bão lũ đảm  bảo vững chắc và an toàn hơn.

Việt Nam là một trong 30 nước “có nguy cơ cực đoan" do BĐKH. Từ năm 1990 đến năm 2012, thiên tai đã cướp đi sinh mạng của 457 người, phá hủy hơn 96.000 ngôi nhà, tổng thiệt hại tương đương 1,3% GDP hàng năm. Hơn 500.000 người sống trong phạm vi 200 mét kể từ bờ biển dọc theo chiều dài cả nước, các hộ gia đình ở khu vực này thường bị ảnh hưởng trực tiếp của bão và hầu hết người dân là đối tượng dễ bị tổn thương nhất sống trong các ngôi nhà không an toàn ở các khu vực ven biển. Đây là một trong những lý do mà các cộng đồng cư dân ven biển thiếu khả năng chống chịu với tác động của BĐKH. Tỷ lệ người nghèo chiếm 23% ở các vùng ven biển, cao gấp hai lần mức trung bình của cả nước, một phần là do những thiệt hại liên quan đến thiên tai.

Tiến sĩ Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ KHĐT cho biết: “Nhu cầu hỗ trợ đầu tư cho BĐKH, giảm thiểu rủi ro và phát triển các bon thấp cho Việt Nam là rất cấp bách”, ông cũng cho biết: “Dự án này sẽ là bước đi đầu tiên trong quan hệ đối tác chiến lược dài hạn với GCF. Việt Nam mong muốn không chỉ hưởng lợi từ GCF mà còn có thể đóng góp cho GCF cũng như chia sẻ các bài học kinh nghiệm của Việt Nam với các quốc gia khác được GCF hỗ trợ”.

Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên Thường trú của Liên hợp quốc, Đại diện Thường trú của UNDP nhấn mạnh: “UNDP đang làm việc với chính phủ về các sáng kiến để thúc đẩy việc tăng cường khả năng chống chịu với các hiện tượng khí hậu khắc nghiệt tác động đến người nghèo ở khu vực nông thôn, nhiều người trong số đó là phụ nữ hoặc thuộc các nhóm dân tộc thiểu số. Ông cũng nhấn mạnh cam kết của UNDP trong việc đảm bảo thực hiện có hiệu quả dự án này nhằm tăng cường khả năng chống chịu tác động của BĐKH cho các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương ở Việt Nam.

Tại hội thảo, đại diện các tỉnh Thanh Hoá và Cà Mau đã trình bày kế hoạch thích ứng và ứng phó với BĐKH cũng như bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ của GCF. Cũng tại hội thảo, Bộ KHĐT đã có bài trình bày quan trọng về chiến lược tiếp cận GCF với những trọng tâm như (1) cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với BĐKH, (2) đầu tư cho thích ứng với BĐKH và tăng trưởng xanh, (3) tăng cường hợp tác chiến lược GCF - Việt Nam.

Các buổi làm việc xã giao với các nhà lãnh đạo Việt Nam:

Cùng ngày, Ngài Howard Bamsey cũng đã đến thăm xã giao Lãnh đạo Bộ KHĐT và Bộ NN&PTNT, qua đó Lãnh đạo các Bộ cũng thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thực hiện Thoả thuận Paris và nỗ lực phát huy tối đa hiệu quả sử dụng các nguồn lực quan trọng của GCF. Thay mặt Bộ NN&PTNT, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng đã trao tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Nông nghiệp và phát triển nông thôn” cho Ngài Howard Bamsey.

Trong buổi tiếp Ngài Howard Bamsey, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết "Việt Nam mong muốn trở thành điểm sáng của GCF trong khu vực, đề nghị Ban thư ký GCF phối hợp chặt chẽ với Bộ KHĐT và các Bộ, ngành có liên quan xây dựng và hỗ trợ thực hiện mối quan hệ hợp tác chiến lược GCF - Việt Nam với cam kết hỗ trợ cho Việt Nam theo danh mục dự án ưu tiên; tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện dự án đã được phê duyệt và đẩy nhanh tiến độ phê duyệt các dự án đã được NDA Việt Nam đệ trình GCF bao gồm giảm nhẹ tác động của BĐKH/phát triển ít các bon và kết hợp với thích ứng BĐKH; đầu tư tư nhân cho năng lượng tái tạo & hiệu quả năng lượng; quản lý rừng bền vững; nỗ lực thích ứng tại các vùng kinh tế trọng điểm; xây dựng và thực hiện mô hình tài chính quy mô nhỏ và vừa để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới/áp dụng công nghệ ít phát thải.

Giới thiệu về GCF:

Quỹ Khí hậu xanh (GCF) được thành lập năm 2010 tại Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (COP16) tại Cancun, Mêhico nhằm huy động các nguồn tài trợ cho đầu tư phát triển ít phát thải và ứng phó với BĐKH ở các nước đang phát triển. Các lĩnh vực chiến lược của GCF là (i) năng lượng, (ii) giao thông (iii) xây dựng, đô thị, công nghiệp và thiết bị, (iv) sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và rừng (LULUCF), (v) tăng cường khả năng chống chịu và phúc lợi cho các cộng đồng, dân cư và khu vực dễ bị tổn thương, (vi) nâng cao chất lượng y tế, phúc lợi, an ninh nước và lương thực, (vii) tăng cường khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng và môi trường, (viii) tăng cường khả năng chống chịu của hệ sinh thái và dịch vụ hệ sinh thái. Ban Chỉ đạo Quỹ GCF gồm 24 thành viên gồm đại diện các nước đang phát triển và các nước phát triển.

Đến nay, Quỹ GCF đã nhận được cam kết đóng góp là 10,3 tỉ Đô la Mỹ và đã huy động được 6,7 tỉ Đô la Mỹ, có mục tiêu huy động 100 tỉ Đô la Mỹ đến năm 2020 để thực hiện thỏa thuận toàn cầu về BĐKH. Đây là cơ chế tài chính mới được thành lập và vận hành (2013), tuy nhiên, dự kiến trong thời gian tới, Quỹ GCF sẽ là cơ chế tài chính quan trọng và duy nhất trên cơ sở sáp nhập các cơ chế tài chính hiện thời để thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (UNFCCC).

Website của GCF: http://www.greenclimate.fund

Để biết thêm chi tiết, vui lòng liên hệ:

Nguyễn Thị Diệu Trinh

Chuyên gia cao cấp

Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Địa chỉ: Phòng 508, Nhà A, 6B Hoàng Diệu, Hà Nội

Tel: 84-8043310 | Fax: 84-4-37475194

Email: trinhdieu@mpi.gov.vn