Tin tức về dự án Tin tức về dự án

UNDP giúp cộng đồng ven biển Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu
Ngày đăng 04/12/2020 | 17:59

Đăng tải trên VOV World ngày 14/11/2020

(VOVWORLD) - Rừng ngập mặn là vùng đệm quan trọng của sinh thái biển và cộng đồng dân cư ven biển. Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), phối hợp với Chính phủ Việt Nam và Quỹ Khí Hậu Xanh (GCF), đã phục hồi khoảng 4.000 ha rừng ngập mặn ở các vùng ven biển dễ bị tổn thương thuộc các tỉnh Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Quảng Nam, Cà Mau và Nam Định. Dự án hỗ trợ, giúp đỡ người dân sinh sống ven biển có sinh kế ổn định, tham gia bảo vệ môi trường và hệ sinh thái.  

 

 

Chị Phạm Thị Lý, trú tại xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam đang chèo chiếc thuyền thúng chở khách du lịch đến tham quan rừng dừa nước Cẩm Thanh. Chị là một trong những người tham gia vào dự án khôi phục và bảo tồn rừng dừa nước Cẩm Thanh, được hỗ trợ bởi Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ môi trường toàn cầu ở Việt Nam (GEF SGP) và UNDP nhiều năm qua. Chị Lý chia sẻ rằng, “Trước đây, tôi làm lụng rất vất vả để nuôi gia đình. Nhưng giờ khi du lịch thuyền thúng phát triển, cuộc sống của tôi đã khấm khá hơn.”

Dự án UNDP-GEF SGP hỗ trợ bảo tồn vùng đất cửa sông Thu Bồn trước những tác động của sóng, gió, xói mòn, đồng thời phục hồi rừng dừa nước Cẩm Thanh và sử dụng bền vững tài nguyên rừng. Theo đó, người dân địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn du lịch sinh thái. Bà Nguyễn Thị Hoa Mẫn cho biết: “Trước đây, khi du lịch còn chưa phát triển, người dân chủ yếu sống dựa vào nghề đánh bắt hải sản. Chồng thì ra biển đánh bắt được ít tôm cá để vợ đem đi bán. Khi biển động, đặc biệt vào mùa đông, chúng tôi phải cần có hỗ trợ mới thoát được nạn đói. Từ khi triển khai dự án nơi đây, du lịch rừng dừa phát triển. Các ngư dân đã chuyển từ nghề đánh bắt sang làm du lịch. Ngành du lịch mang lại cho phụ nữ chúng tôi một công việc ổn định - chèo thuyền thúng.” 

Rừng dừa nước Cẩm Thanh thuộc khu bảo tồn hệ sinh thái rạn san hô Tam Hải, núi Thành và khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, hình thành nên mạng lưới bảo tồn sinh thái biển ở tỉnh Quảng Nam. Ông Lê Nhượng, nguyên Chi hội trưởng Hội Nông dân xã Cẩm Thanh chia sẻ: “Dự án bắt đầu từ 75 ha rừng dừa nước. Sau đó, được sự đồng ý của địa phương, chúng tôi tiến hành trồng thêm và đến nay, diện tích rừng được mở rộng lên 15 ha. Dự án đã nâng cao nhận thức của người dân về việc bảo vệ và sử dụng bền vững rừng dừa nước. Trước đây, khu vực này từng xảy ra việc khai thác không đúng mục đích. Hiện tại, chúng tôi chỉ cho phép khai thác rừng 2 lần/năm - vào thời điểm đầu năm và giữa năm - nhằm bảo vệ môi trường sinh thái.”

Nghề chèo thuyền thúng trong rừng dừa nước là một công việc thay thế có lợi với người dân Cẩm Thanh. Số hộ gia đình tham gia vào nghề dịch vụ này đã tăng lên và thu nhập của họ được cải thiện, từ 160 đô la một tháng lên 195 đô la một tháng.

Bên cạnh đó, tại tỉnh Quảng Ngãi, UNDP, Chính phủ Việt Nam và Quỹ Khí Hậu Xanh đang triển khai dự án trồng rừng ngập mặn nhằm tạo việc làm cho người dân ở khu vực Bàu Cá Cái, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn.

Từ năm 2014 đến nay, dự án đã trồng 80 ha rừng và tạo công ăn việc làm cho 50 hộ gia đình tại địa phương. Bà Nguyễn Thị Thùy Dung, điều phối viên dự án tại địa phương của UNDP, cho biết, “Các hộ gia đình tại xã Bình Thuận và thôn Thuận Phước giờ đã có khu rừng này để che chắn khi có bão. Hệ sinh thái cũng được cải thiện rõ rệt, có thể thường xuyên thấy những đàn cò, đàn vịt trời bay đến cánh rừng vào buổi chiều hoặc sáng sớm. Nơi này trước đây từng là một khu trống, giờ người dân địa phương đã phát triển lên thành một dịch vụ du lịch công cộng.”

Chúng tôi đến Bàu Cá Cái vào những ngày cuối cùng của tháng 10, ngay sau khi cơn bão Molave vừa quét qua Quảng Ngãi. Chị Nguyễn Thị Hải chia sẻ, nhờ có rừng ngập mặn bảo vệ mà thiệt hại lần này đã giảm xuống. Căn nhà và vườn tược của chị hầu như không bị ảnh hưởng mấy. Từ năm ngoái, gia đình chị làm nghề chèo thuyền chở khách du lịch đến đầm Bàu Cá Cái để kiếm thêm thu nhập. Chị hiện đang sở hữu 3 chiếc thuyền và kiếm được 9 đô la mỗi chuyến chở 3 khách.

Là một trong những người hưởng lợi trực tiếp từ dự án trồng rừng ngập mặn, anh Phạm Duy Nghĩa cho biết, ngoài việc khai thác nguồn lợi thủy sản từ đầm phá, gia đình anh dự định nuôi thêm cua xanh. Với 20.000 con cua giống, nếu công việc nuôi trồng thuận lợi, anh sẽ thu về lợi nhuận khoảng 800 đô la sau 3 tháng.

Các dự án khôi phục rừng ngập mặn thực hiện bởi UNDP, Chính phủ Việt Nam và GCF đang góp phần tích cực làm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, bảo vệ cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương, đồng thời khiến cho cuộc sống của những người dân địa phương thêm an toàn và bền vững. Những con thuyền đầy màu sắc đậu tại bến Bàu Cá Cái chờ đón khách, cùng tiếng hát của chị Phạm Thị Lý cất lên khi khua mái chèo dẫn đoàn khách du lịch vào rừng dừa nước Cẩm Thanh là minh chứng rõ rệt cho thành quả mà những dự án này đã mang lại.