Tin tức về dự án Tin tức về dự án

Nâng cao nhận thức cho người dân vượt qua bão lũ
Ngày đăng 23/11/2020 | 13:00

Đăng tải trên Báo Đầu Tư ngày 23/11/2020

Vấn đề thời tiết khắc nghiệt ngày càng mang lại khó khăn cho người dân Việt Nam, khi vẫn còn nhiều người chưa biết cách tự bảo vệ mình trước thiên tai. Theo đó, một sáng kiến từ viện trợ quốc tế đang dần trở nên phổ biến và ảnh hưởng rộng rãi ở một số địa phương qua việc tập huấn các kỹ năng quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.

 

 

Hàng trăm khóa tập huấn đã được tổ chức trong những năm vừa qua

 

 

 

 

Đã hơn một tuần sau trận lũ lịch sử gây ra thiệt hại nặng nề đến người dân tại xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn, tuy nhiên, thiệt hại sẽ còn nghiêm trọng hơn nhiều nếu người dân nơi đây không được trang bị kiến thức về ứng phó với thiên tai.

Xã Quảng Minh là một vùng trũng nằm cạnh sông lớn với gần 2.200 hộ dân, với đặc điểm đồi gò dễ bị mưa lũ chia cắt. Tất cả hộ dân ở đây sống bằng nghề trồng lúa và đánh bắt thủy sản với mức thu nhập bình quân đầu người là 3 triệu đồng (130 đô la) mỗi tháng.

Ông Trần Văn Lộc, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Minh, chia sẻ rằng thiệt hại do bão lũ đã giảm xuống còn khoảng một nửa so với những lần xảy ra thiên tai tương tự trước đây.

“Khi trước thường xuyên phải hứng chịu thiên tai, địa phương không biết phải làm sao khi bão đến. Nhưng giờ đây người dân đã học được cách chuẩn bị để ứng phó khi thiên tai xảy ra”, ông Lộc nói. “Ví dụ, mọi người đã biết dùng lưới quây bảo vệ các vùng khai thác thủy sản, di tản đến những nơi an toàn hơn để tránh bão và biết cách bảo quản đồ ăn dự trữ.” 

Ông Lộc và người dân địa phương đã được tập huấn về những kiến thức này từ một chương trình đào tạo diễn ra vào tháng 7 năm 2019. Khóa tập huấn đã hướng dẫn người dân cách xác định những rủi ro xảy ra, phân tích nguyên nhân để đưa ra các giải pháp khả thi trong tình huống cụ thể. Điều này đã góp phần giúp giảm thiểu thiệt hại từ thiên tai cũng như nâng cao nhận thức chung về biến đổi khí hậu.

Người dân địa phương đang thực hành đánh giá các thông tin rủi ro

 

 

Phổ biến thông tin

Chương trình tập huấn cấp xã này là một trong 278 khóa đào tạo về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng trên toàn quốc, được tổ chức từ năm 2018 bởi Tổng cục Phòng, chống thiên tai (PCTT) với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) trong khuôn khổ dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam”. Dự án được tài trợ bởi Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) và Chính phủ Việt Nam.

Các lớp tập huấn nhằm cung cấp kiến thức về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng tại 7 tỉnh ven biển là Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Cà Mau - những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề từ thiên tai và biến đổi khí hậu.

“Các học viên đánh giá rất cao khóa đào tạo nâng cao năng lực của cộng đồng địa phương. Đây cũng là cơ hội để các cán bộ rà soát lại những biện pháp giảm nhẹ rủi ro thiên tai đã được thực hiện và cập nhật những kiến thức mới trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay,” chia sẻ bởi chị Thái Minh Hương, cán bộ dự án. “Trong năm 2019, dự án đã tổ chức 69 lớp tập huấn tại Quảng Bình, địa phương chịu những thiệt hại nặng nề do bão lũ kéo dài liên tục. Cụ thể hơn, các học viên ở xã Vĩnh Ninh đã chia sẻ với chúng tôi rằng khóa tập huấn đã giúp họ giảm bớt những thiệt hại về người và của.”

Thuộc khu vực có nguy cơ cao về rủi ro thiên tai như bão, lũ và hạn hán, xã Vĩnh Ninh, tỉnh Quảng Bình đã tổ chức một khóa tập huấn tương tự với sự tham gia của 30 học viên từ nhiều ngành nghề khác nhau trên địa bàn huyện Quảng Ninh. 

Các học viên được trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết để thực hiện các quy trình đánh giá và hoàn thiện báo cáo đánh giá rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng. Đồng thời, học viên được lập dữ liệu để thiết lập, hoàn thiện và nâng cao ứng dụng trong hệ thống thông tin rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu để hỗ trợ việc lập kế hoạch.

Ông Đỗ Mười, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ninh cho biết, “Khóa đào tạo này đã giúp chúng tôi thêm nâng cao nhận thức về giảm nhẹ rủi ro thiên tai và tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng.”

Bên cạnh xã Vĩnh Ninh, hiện dự án đang tiến hành các khóa tập huấn khác tại các xã ven biển trong tỉnh, với 78 khóa tập huấn đã tổ chức và đào tạo cho gần 9.000 người. 

Đến nay, UNDP đã hỗ trợ Tổng cục PCTT tổ chức 278 khóa đào tạo về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng ở các xã ven biển Việt Nam, mang đến lợi ích trong việc thông tin về biến đổi khí hậu và khả năng chống chịu cho 7.260 người trực tiếp (với 40% là phụ nữ) và 34.700 người gián tiếp. Được biết, 242 khóa tập huấn sẽ tiếp tục được tổ chức trong thời gian tới.

Các khóa đào tạo đã góp phần thực hiện chương trình của chính phủ về nâng cao nhận thức và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.

Nhằm thực hiện các hoạt động nâng cao năng lực về phòng chống thiên tai, dự án GCF đã đào tạo đội ngũ giảng viên cấp trung ương và cấp tỉnh. Phần lớn giảng viên là những người có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác đào tạo về phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu tại cộng đồng. Nguồn lực trung tâm là những giảng viên đến từ Hội Chữ thập đỏ các tỉnh, Hội Phụ nữ và các chương trình hợp tác quốc tế khác.

Nâng cao nhận thức

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng bởi thiên tai nhiều nhất trên thế giới. Hàng năm, lũ lụt, mưa bão và các loại hình thiên tai khác gây nhiều thiệt hại về người cũng như kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Những tổn thất này ước tính rơi vào khoảng 1 tỷ đô la mỗi năm, với khoảng 913 triệu đô la vào năm 2020 đến nay. Tuy nhiên, tác động của biến đổi khí hậu đang khiến cho thiên tai xảy ra ngày càng dữ dội và thường xuyên hơn.

Với đường bờ biển dài hơn 3.260km, Việt Nam có khoảng 30% dân số sinh sống tại 28 tỉnh ven biển và rất dễ bị tổn thương khi mực nước biển dâng cùng các rủi ro đi kèm như xâm nhập mặn, bão dâng, lũ lụt.

Nhóm đối tượng yếu thế - chủ yếu là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, phụ nữ nghèo và trẻ em - đặc biệt ở các vùng sâu vùng xa là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất khi họ không có đủ nguồn lực để phục hồi sau thiên tai cũng như những kiến thức để chuẩn bị ứng phó tốt hơn trong những lần tiếp theo.

Hợp tác với Tổng cục PCTT, UNDP đã xây dựng những hướng dẫn kỹ thuật cho việc đánh giá nhu cầu sau thiên tai và đào tạo 150 cán bộ, viên chức từ các cơ quan ở trung ương và các tỉnh về vấn đề này.

“Chúng tôi đã phổ biến, nâng cao nhận thức và khả năng tiếp cận thông tin rủi ro khí hậu cho 28.800 người. Theo đó, chúng tôi cũng đã xây dựng hơn 2.000 căn nhà chống bão và sửa chữa lại 5.000 căn nhà cho những hộ nghèo hoặc cận nghèo, hộ có bà mẹ đơn thân ở các tỉnh ven biển tại Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Thừa Thiên-Huế, Khánh Hòa và Phú Yên,” bà Caitlin Wiesen, trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho biết.

Với tài trợ từ GCF, dự án giúp các nhà hoạch định chính sách tiếp cận thông tin một cách dễ dàng bằng cách kết hợp kiến thức của địa phương với các dữ liệu khoa học để phát triển và lập bản đồ rủi ro của toàn bộ khu vực ven biển. Những dữ liệu được cập nhật sẽ giúp đưa ra dự báo về biến đổi khí hậu tốt hơn, theo đó, các nhà hoạch định chính sách có thể thuận lợi đưa ra các chính sách mang tính chuyển đổi giúp phát triển sinh kế của cộng đồng ven biển sau này.

Những kiến thức được chia sẻ giữa các bên liên quan trong các khóa tập huấn cùng đánh giá rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng sẽ là bài học kinh nghiệm thiết thực trong công tác phòng, chống thiên tai của đất nước.

Với xã Quảng Minh thuộc tỉnh Quảng Bình, người dân mong muốn tiếp tục tổ chức thêm các khóa đào tạo như vậy. “Trước đây, chúng tôi chưa được thực hiện đánh giá và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, tuy nhiên kể từ khi tham gia lớp tập huấn vào năm ngoái, nhận thức của mọi người đã được nâng cao hơn,” ông Trần Văn Lộc, Bí thư Đảng ủy xã cho biết. “Sau khi phân tích các thông tin, chúng tôi có thể lập ra những báo cáo chính xác trong việc xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai, cũng như bước đầu lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của xã.”