Tin tức về dự án Tin tức về dự án

Nhà an toàn che chở người dân khỏi bão lũ
Ngày đăng 27/10/2020 | 11:00

Đăng tải trên Báo Đầu Tư ngày 27/10/2020

Sự gia tăng của những hiện tượng thời tiết cực đoan đang khiến nhiều người dân Việt Nam ở tỉnh Quảng Ngãi rơi vào khó khăn, khi ngày càng nhiều nhà cửa bị bão lũ tàn phá, không thể sửa chữa được. Tuy nhiên, một sáng kiến xây dựng nhà chống chịu bão, lụt cho những gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai đang dần thay đổi cuộc sống của người dân nơi đây. 

 

 

Nhà chống chịu bão lụt được xây dựng ngay cạnh ngôi nhà cũ, tránh làm gián đoạn cuộc sống của người dân

 

 

 

Bà Nguyễn Thị Ba bị khiếm thị, hiện đang ở một mình từ khi mẹ bà qua đời vào năm ngoái. Người phụ nữ 63 tuổi này ước gì mẹ mình có thể sống lại để chứng kiến giấc mơ lớn nhất của đời họ đã thành hiện thực - sở hữu một ngôi nhà mới.

“Giờ tôi cảm thấy hạnh phúc vì đã có ngôi nhà mới, nơi tôi có thể an tâm sống hết phần đời còn lại của mình,” bà Ba chia sẻ. Nguồn thu nhập hiện có của bà đang dựa vào vài mẫu ruộng và một con bò cho hàng xóm thuê để cày ruộng. 

Tại xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi, căn nhà 30m2 của bà Ba được khởi công vào tháng 5 và hoàn thành, bàn giao vào tháng 7. Ngôi nhà chống chịu bão, lụt được xây ngay cạnh căn nhà cũ. Trước đây, mỗi khi bão về, nhà cũ của bà thường bị hư hỏng hoặc dột nặng, khiến cho cả hai mẹ con phải mất ngủ nhiều đêm.

Phao cứu sinh cho người dân

Ngôi nhà mới của bà Ba là một trong 35 ngôi nhà chống chịu bão, lụt đầu tiên được xây dựng ở xã Đức Nhuận vào năm 2018. Những ngôi nhà này là một phần của Dự án Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam, do Quỹ Khí hậu Xanh (GCF), Chính phủ Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đồng tài trợ. 

Dự án đang được thực hiện bởi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Xây dựng và UNDP trong thời gian 5 năm đến năm 2021.

Ông Trần Công Oanh, đại diện xã Đức Nhuận, đầu mối của xã phụ trách tham gia vào Dự án từ năm 2018 cho biết, người dân ở đây đang phải sống trong điều kiện rất khó khăn. Phần lớn dân cư đều là nông dân, cuộc sống trong những ngôi nhà xập xệ của họ rất khổ sở mỗi khi lũ bão tràn về. 

Ông Oanh nói: “Tất cả những ngôi nhà an toàn mới được xây dựng và trao miễn phí cho những hộ nghèo và hộ có chủ là bà mẹ đơn thân ở địa phương. “Kể từ khi chuyển đến những ngôi nhà mới, cuộc sống của họ trở nên tốt hơn và cảm thấy an toàn hơn mỗi khi có bão hay thời tiết xấu”.

Cuối năm 2019, Quảng Ngãi hứng chịu thêm trận bão lớn Matmo, nhiều ngôi nhà đã bị hư hại, ông Oanh kể lại.

“Tuy nhiên, tất cả các ngôi nhà an toàn của Dự án đều không bị ảnh hưởng vì kết cấu đã thiết kế đặc biệt để chống chịu trong những trận thiên tai như vậy,” ông nói. “Đây là một phép màu, biến ước mơ sở hữu ngôi nhà mới của nhiều người nông dân nghèo thành hiện thực”.

Tất cả các hộ gia đình trong xã đều sống bằng nghề trồng lúa, thu hoạch hai vụ một năm, với thu nhập bình quân hàng năm khoảng 6 triệu đồng (260 đô la), hay 500 ngàn đồng (22 đô la) mỗi tháng, tương đương với giá tiền mua vài tách cà phê ở các thành phố lớn như Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh.

Các hộ dân tại địa phương, đặc biệt là các hộ nghèo và hộ có phụ nữ làm chủ hộ có mong muốn được hỗ trợ nhà ở chống chịu bão lụt sẽ đăng ký với chính quyền xã, sau đó danh sách hộ dân hưởng lợi sẽ được rà soát và lựa chọn bởi một ban chuyên môn, gồm đại diện các ban, ngành của tỉnh. Thiết kế nhà và các thông số kỹ thuật được Sở Xây dựng tỉnh phê duyệt, tuy nhiên, các hộ dân có thể tự chọn thiết kế và thuê nhân công địa phương xây dựng bằng nguồn tiền được Dự án hỗ trợ thông qua ngân hàng.

Bà Nguyễn Thị Lang trong ngôi nhà chống bão mới 

 

 

Một mô hình mới 

Các ngôi nhà chống chịu bão, lụt này được thiết kế đơn giản, xây dựng bằng xi-măng với cấu trúc kiên cố, gồm một tầng lửng để chống ngập lụt cùng mái nhà được gia cố chắc chắn. Khi thiên tai, lũ lớn xảy ra, tầng lửng là nơi giúp người dân trú nạn và sinh hoạt, ngoài ra còn là nơi để lưu trữ các đồ vật có giá trị, tránh khỏi việc bị lũ làm hỏng hoặc cuốn trôi.

Mỗi căn nhà được tài trợ khoảng 1.700 đô la từ dự án cùng 600-800 đô la từ các chương trình của Chính phủ theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung. Người dân có thể tự góp thêm tài chính nếu có nhu cầu mở rộng, xây dựng thêm cho căn nhà.

Trong thực tế, những ngôi nhà chống chịu bão, lụt như thế này không chỉ được xây dựng ở xã Đức Nhuận mà còn ở nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Mộ Đức, cùng với 3 huyện Bình Sơn, Tư Nghĩa, Đức Phổ, TP.Quảng Ngãi thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Vốn đầu tư từ GCF để xây dựng tổng số 683 căn nhà loại này là 1,19 triệu USD, ngoài ra còn hơn 9 tỷ đồng (391.000 USD) từ ngân sách nhà nước và tất cả sẽ được giải ngân trong thời gian từ năm 2017 đến năm 2021.

Đến nay, khoảng 543 ngôi nhà chống bão đã được xây dựng, với khoảng 140 ngôi nhà được hoàn thành vào năm 2020. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, Chủ dự án tỉnh Quảng Ngãi, hơn 3.400 người sẽ được hưởng lợi từ Dự án.

“Những ngôi nhà này đã bảo vệ nhiều người dân địa phương trong thiên tai và thời tiết khắc nghiệt. Nhà an toàn đã giúp ích rất nhiều cho cuộc sống của người dân ở những khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai trong tỉnh,” Phó giám đốc Ban quản lý dự án tỉnh GCF, Hoàng Văn Huy cho biết.

Theo đó, ông Trần Công Oanh hy vọng sẽ có thêm nhiều ngôi nhà chống chịu bão, lụt tiếp tục được xây dựng ở xã Đức Nhuận này. “Nhiều nông dân nghèo như bà Nguyễn Thị Ba đang ao ước được sống trong những ngôi nhà an toàn, vì nhà ở hiện tại của họ đã dột nát và nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng. Bão lũ là cơn ác mộng lớn nhất của họ”, ông Oanh chia sẻ.

Nguyễn Thanh Lâm – Cán bộ xã Bình Thuận

Xã Bình Thuận nằm trong vùng lũ, cứ mỗi khi mưa lũ về là người dân sống nơi đây lại phải gánh chịu thiệt hại. Hầu hết chúng tôi đều làm nông nghiệp và chỉ kiếm được ít tiền, nên chúng tôi không có đủ tiền để chi trả cho việc sửa chữa. Vì vậy, các hoạt động của UNDP rất có ý nghĩa với chúng tôi khi thiên tai và biến đổi khí hậu vẫn còn kéo dài.

Đến nay, đã có khoảng 23 hộ nhận được hỗ trợ về nhà ở an toàn. Mọi người đều vui mừng phấn khởi vì những ngôi nhà mới được xây dựng chắc chắn và có thể chống chọi trước nhiều điều kiện thời tiết khác nhau. Tuy nhiên, những ngôi nhà này vẫn còn khá nhỏ, ít nhất 30 hộ gia đình khác nữa cũng cần được hỗ trợ như vậy. Đây là năm đầu tiên chúng tôi được hưởng các gói hỗ trợ này và chúng tôi hy vọng trong những năm tiếp theo, hầu hết các hộ khó khăn ở xã Bình Thuận cũng sẽ được hỗ trợ tương tự.

PHẠM THỊ EM - Người dân xã Bình Thuận

Nhờ có ngôi nhà mới, gia đình chúng tôi có thể tập trung kiếm sống thay vì lo lắng về thiên tai và thiệt hại. Trước khi nhận hỗ trợ nhà ở an toàn, chúng tôi lúc nào cũng phải vật lộn mỗi khi mùa mưa lũ về. 

Ngôi nhà cũ của chúng tôi rất dễ hỏng, lần nào chúng tôi cũng phải mất tiền để sửa nhà. Thay vì dùng tiền để trang trải cuộc sống hàng ngày, chúng tôi đã phải chi rất nhiều cho việc sửa nhà. Khoảng thời gian đó thật kinh khủng.

Nhưng bây giờ, mọi thứ đã thay đổi với ngôi nhà mới. Ngôi nhà mới có kết cấu rất vững chắc và có thể chịu được mọi loại thời tiết. Ngôi nhà là tài sản quý giá nhất của người nông dân nên chúng tôi rất trân trọng sự hỗ trợ của Dự án.

BÙI THỊ DON - Người dân xã Bình Thuận

Trong những năm qua, gia đình chúng tôi phải luôn chống chọi với thiên tai và thời tiết. Không giống các hộ dân khác, chúng tôi không sống trong vùng ngập lũ. Tuy nhiên, ngôi nhà của chúng tôi đã quá cũ và xuống cấp nên không thể chịu được những trận mưa lớn. Vì vậy, sau khi có nhà mới, gánh nặng của chúng tôi đã được giảm bớt đi rất nhiều.

Chúng tôi làm nông là chủ yếu nên thu nhập luôn dao động và phụ thuộc vào mùa màng. Vào mùa mưa, chúng tôi hầu như không kiếm được nhiều tiền như mùa xuân hoặc mùa hè.

Hơn nữa, mưa lớn cũng ảnh hưởng đến chất lượng cây trồng. Vì vậy, không những không kiếm được tiền mà nhà còn bị hư hỏng do mưa lũ.

Nên nhờ có ngôi nhà mới, một trong những vấn đề lớn của chúng tôi đã được giải quyết. Từ đó, chúng tôi có thể tập trung hơn vào việc kiếm sống trong mùa mưa lũ.