Tin tức về dự án Tin tức về dự án

Sáng kiến chăn nuôi thủy sản cải thiện cuộc sống cho hộ nghèo
Ngày đăng 02/12/2020 | 10:30

Sáng kiến chăn nuôi thủy sản cải thiện cuộc sống cho hộ nghèo

Đăng tải trên Báo Đầu Tư ngày 2/12/2020 

Nằm ở cực Nam của Việt Nam, tỉnh Cà Mau thuộc Đồng bằng sông Cửu Long là nơi thường xuyên bị đe dọa bởi thiên tai với nhiều người dân nghèo sinh sống bằng nghề đánh bắt nhỏ lẻ. Tuy nhiên, hàng trăm hộ gia đình ở đây vẫn tiếp tục duy trì nghề đánh bắt thủy sản nhờ có sự hỗ trợ từ một sáng kiến mới và hiệu quả.

 

 

Tôm sú giống chất lượng cao đang giúp các hộ nông dân kiếm được nhiều tiền hơn bao giờ hết

 

 

 

 

Làm nghề nuôi tôm đã 20 năm, cả đời anh Phan Tiến Bền, 50 tuổi, gắn bó với mảnh đất thuộc xã Nguyễn Viết Khai - một trong những địa phương nghèo nhất của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. 

Xã Nguyễn Viết Khai thuộc huyện Phú Tân, một huyện cực nam của tỉnh Cà Mau, địa hình tiếp giáp với biển đã khiến cho điều kiện phát triển kinh tế trở nên khó khăn, khi phần lớn người dân nơi đây kiếm sống từ nghề đánh bắt nhỏ lẻ, thu nhập bình quân hàng năm chỉ 40 triệu đồng/hộ (1.740 đô la).

Nhà anh Bền từng nằm trong diện hộ nghèo như nhiều người khác, thu nhập trung bình hàng năm chỉ 30-35 triệu đồng (1.300-1.500 đô la) đã khiến anh phải chật vật xoay sở để nuôi sống được gia đình bốn người.

Dưới tác động nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu và thiên tai, diện tích đất đai ở tỉnh Cà Mau ngày càng bị thu hẹp, nguyên nhân không chỉ do nước biển dâng, xói lở bờ biển, mà còn là tình trạng sụt lún đất với tốc độ sụt lún ước tính rơi vào 3cm mỗi năm.

Theo số liệu thống kê của UBND tỉnh, trận bão kèm theo mưa lớn gây lũ lụt trong tháng 10 vừa qua đã cuốn trôi gần 14.300 ha lúa, 552 ha đầm nuôi tôm và hơn 26 ha hoa màu của tỉnh, ngoài ra, nhiều nhà ở tại huyện Đầm Dơi và Trần Văn Thời bị sụp đổ hoàn toàn.

Từ đầu năm đến nay, tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh đã gây ra hư hại cho nhiều tàu cá, làm 11 người mất tích, đánh sập hơn 800 ngôi nhà, phá hoại gần 38.000ha hoa màu và 18.000ha nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, hơn 1.300 điểm công trình giao thông ở nông thôn bị hư hỏng với tổng chiều dài 45km. Khoảng 105km bờ biển cũng bị sạt lở.

Cách đây vài tháng, Chính phủ đã hỗ trợ 70 tỷ đồng (3 triệu đô la) cho tỉnh Cà Mau để ứng phó với tình trạng hạn mặn đang diễn ra thường xuyên mỗi năm.

Tuy nhiên, dù phải hứng chịu hậu quả nặng nề từ thiên tai, đời sống của nhiều hộ dân ở Cà Mau đang ngày càng được cải thiện. Trên thực tế, trong 3.078 hộ gia đình của xã Nguyễn Viết Khai chỉ có 69 hộ nằm trong diện hộ nghèo.

Là lao động chính trong gia đình, anh Bền hiện đang kinh doanh một trang trại nuôi tôm rộng 5ha ở xã, cách ngôi nhà mới xây của anh không xa. Anh Bền vừa rồi mới mua một chiếc TV màn hình lớn, thực hiện được niềm mơ ước bấy lâu nay của cả nhà. Mấy tháng này, điều kiện kinh tế của gia đình anh đã được cải thiện đáng kể.

“Thu nhập bình quân một năm đã tăng lên 50 triệu đồng (2.175 đô la), chúng tôi đã khấm khá hơn trước rất nhiều,” anh Bền nở nụ cười. “Nhiều hộ gia đình khác trong xã cũng vậy. Sinh kế của họ cũng đang được cải thiện hơn.”

Tập huấn kỹ thuật trồng rừng ngập mặn cho người dân

 

 

Sáng kiến làm thay đổi cuộc chơi

Điều gì đã làm nên những thay đổi tích cực rõ rệt như vậy tại tỉnh Cà Mau?

Tháng 10 năm ngoái, anh Bền cùng nhiều hộ gia đình ở xã Nguyễn Viết Khai và xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, đã được hỗ trợ cung cấp tôm sú giống và cua giống. Đây là một Hợp phần trong khuôn khổ dự án Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam do quỹ Khí hậu Xanh (GCF), Chính phủ Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc đồng tài trợ.

Thuộc Hợp phần khôi phục rừng ngập mặn của Dự án, trung bình mỗi hộ gia đình như nhà anh Bền được cung cấp miễn phí khoảng 30.000 con tôm sú giống và 1.600 con cua giống (số lượng con giống tùy theo diện tích ao nuôi), tất cả đều là con giống đạt chuẩn, có chất lượng cao, cùng với hỗ trợ các hoạt động tập huấn kỹ thuật nuôi trồng cho người dân. 

“Những con giống nhận được đều rất to và dễ nuôi. Sau bốn tháng, chúng tôi có thể bán tôm với giá rất cao, từ 8.000 đồng (35 xu Mỹ) đến 20.000 đồng (87 xu Mỹ) mỗi con, anh Bền chia sẻ. “Trước đây, do thường dùng con giống chất lượng thấp và có giá rẻ hơn mua ở chợ, nên chúng tôi khó mà bán được giá cao như thế này”.

Tôm thương phẩm được bán cho các nhà chế biến và xuất khẩu tôm trong tỉnh. Giống như anh Bền, anh Ngô Tường Lợi, nông dân, 38 tuổi, ở xã Viên An Đông, cũng nhận được số lượng tôm và cua giống miễn phí từ Dự án và tham gia vào lớp tập huấn hỗ trợ kỹ thuật từ năm ngoái.

Xã Viên An Đông hiện có 2.840 hộ gia đình với thu nhập bình quân hàng năm khoảng 60 triệu đồng (2.600 đô la) một hộ. Khoảng 60 hộ gia đình là hộ nghèo, thu nhập bình quân hàng năm là 30-35 triệu đồng/hộ (1.300-1.500 đô la).

Gia đình anh Lợi giờ đã khá giả hơn nhiều. “Trước đây, chúng tôi chỉ kiếm được khoảng 150 triệu đồng (6.500 đô la) một năm từ việc nuôi tôm. Tuy nhiên, nhờ hỗ trợ của Dự án GCF Cà Mau, doanh thu đã tăng lên 200 triệu đồng (8.700 đô la)”, anh Lợi cũng cho biết, cuối cùng nhà anh cũng có thể sắm thêm một số vật dụng đắt tiền như tủ lạnh, máy giặt, những thứ mà trước kia được coi là xa xỉ ngoài tầm với.

Sau bốn tháng nuôi trồng, tôm của anh Lợi được bán cho Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Năm Căn, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau. Đây là công ty chuyên xuất khẩu thủy sản ra các thị trường như Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc và Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất.

Mở rộng sinh kế

Dự án GCF đã và đang cung cấp tôm và cua giống miễn phí cho nhiều địa phương ở Cà Mau. Năm ngoái, hơn 5,5 triệu tôm sú giống và 297.000 cua giống đã được cấp cho 176 hộ ở các huyện Phú Tân và Ngọc Hiển.

Trước đó, Ban Quản lý dự án tỉnh Cà Mau đã đấu thầu để chọn ra nhà thầu uy tín và có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi chất lượng cao để cung cấp số lượng cá giống nói trên. Qua kiểm tra, số lượng và chất lượng cá giống đều đạt chuẩn và đảm bảo điều kiện để nuôi trồng.

“Các hộ gia đình rất phấn khởi khi nhận được con giống từ Dự án tại thời điểm vào đúng vụ nuôi”, ông Phạm Trung Thành, Điều phối viên dự án chia sẻ.

Năm nay, Dự án GCF cũng đã cung cấp thêm con giống chất lượng cho 453 hộ dân ở địa phương thuộc dự án (các huyện Phú Tân, Ngọc Hiển, Đầm Dơi và Năm Căn) với hơn 12,1 triệu con tôm sú giống và 741.200 con cua giống. Đây là năm thứ hai Dự án triển khai sáng kiến ​​hỗ trợ con giống cho các địa phương ở tỉnh, từng bước cải thiện sinh kế cho bà con.

Việc cung cấp cua và tôm giống này có mục đích hỗ trợ và giải quyết gián đoạn sinh kế tạm thời của người dân do bị ảnh hưởng từ việc di dời các ao nuôi trồng thủy sản của xã để trồng rừng ngập mặn. Tổng số tiền hỗ trợ gồm có khoảng 3 triệu đô la viện trợ không hoàn lại từ Quỹ GCF và 85.500 đô la vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam cho toàn bộ chương trình dự án tại tỉnh Cà Mau.

Rừng ngập mặn là một loại rừng đặc thù ở vùng ven biển, là hệ sinh thái đặc biệt với những đặc điểm rất khác với các loại môi trường sống khác trong khu vực. Rừng ngập mặn có thể là lá chắn bảo vệ con người trước thiên tai. Ngoài ra, rừng còn mang lại giá trị văn hóa, kinh tế và giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Theo ông Thành, hiện Dự án đang được triển khai với tiến độ tốt. Tính đến cuối năm 2019, Dự án đã hỗ trợ sinh kế cho 176 hộ bằng việc cung cấp con giống cho họ nuôi tôm, cua; trồng mới 109ha rừng ngập mặn, trồng bổ sung 645ha và tập huấn Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng cho 13 xã, thị trấn ven biển. 

Trong năm nay, Dự án đã hỗ trợ 453 hộ gia đình, trồng mới 49ha rừng ngập mặn, trồng bổ sung 474ha và bảo tồn 1.389ha rừng, cùng tập huấn kỹ năng quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng cho 5 xã ven biển.

Theo kế hoạch, ​​vào thời điểm kết thúc dự án, Dự án sẽ hoàn thành việc hỗ trợ Cà Mau trồng và phục hồi 3.224ha rừng ngập mặn, hỗ trợ sinh kế cho khoảng 1.000 hộ dân, tập huấn về Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng tại 38 xã ven biển và cận ven biển thuộc 6 huyện Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển, Phú Tân, Trần Văn Thời và U Minh.

Đây đều là những huyện dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai nhất trong tỉnh Cà Mau, và nếu dự án có thể được mở rộng, chắc chắn sẽ tiếp tục mang lại lợi ích và giúp đỡ cho những nông dân như anh Bền và anh Lợi.

“Chúng tôi hy vọng rằng sau năm 2021, Dự án vẫn sẽ được tiếp tục triển khai để hỗ trợ cho nhiều người hơn. Nhờ có các khóa tập huấn, giờ đây chúng tôi đã biết cách chọn con giống tốt cũng như bảo vệ các trang trại nuôi trồng thủy sản khi bão lũ xảy ra,” anh Bền chia sẻ.