Tin tức về dự án Tin tức về dự án

Công nghệ hiện đại trong xây dựng nhà an toàn chống chịu bão, lụt
Ngày đăng 14/12/2020 | 08:00

Đăng tải trên Báo Đầu Tư ngày 14/12/2020

Nhiều người dân nghèo ở 5 tỉnh ven biển đã và đang được hỗ trợ xây dựng nhà chống chịu bão, lụt để đảm bảo an toàn cho họ khi thiên tai xảy ra. Tuy nhiên, những ngôi nhà này không chỉ đơn thuần là nơi ở, mà còn được thiết kế khoa học và xây dựng bằng vật liệu chắc chắn. Ngoài ra, quá trình xây dựng nhà còn được giám sát chặt chẽ bởi công nghệ hiện đại.
.


Hàng nghìn ngôi nhà chống chịu bão, lụt đã được xây dựng ở Việt Nam từ năm 2017

 

 

 

 

Từ bao đời nay, năm nào thôn Tân An cũng phải hứng chịu những trận bão lớn kèm theo lũ lụt, nhiều gia đình rơi vào cảnh màn trời chiếu đất khi những căn nhà tồi tàn của họ không thể chống chọi với sự hung hãn của thiên tai. 

Những trận bão lũ gần đây quét qua thôn Tân An, xã Lộc Bình, thuộc huyện ven biển Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã buộc nhiều người dân địa phương phải sơ tán lên vùng đất cao để trú ẩn. Tuy nhiên, một số nông hộ nghèo như gia đình chị Phan Thị Hạnh và con gái, vẫn sống sót an toàn trong ngôi nhà mới xây từ tháng 4, ngay cạnh đó là ngôi nhà cũ đã xuống cấp trước đây của chị.

Chị Hạnh là một trong số 26 hộ nghèo trong thôn được nhận nhà mới, đây là một phần của Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” với trị giá gần 42 triệu đô la. Dự án được tài trợ bởi Quỹ Khí hậu Xanh (GCF), Chính phủ Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), với số tiền tài trợ không hoàn lại là 29,5 triệu đô la từ GCF và 1,6 triệu đô la từ UNDP, phần còn lại là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. 

Dự án hiện được thực hiện bởi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Xây và UNDP trong thời gian từ năm 2017 đến năm 2021.

“Ngôi nhà được xây rất chắc chắn. Đặc biệt, căn gác lửng là nơi trú ẩn an toàn cho chúng tôi khi có lũ lụt,” chị Hạnh chia sẻ. “Chúng tôi đã từng rất lo lắng và khổ sở mỗi khi lũ về.”

Ông Phan Bá Chiêm, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Bình cho biết, sau cơn bão vừa qua, tất cả 26 ngôi nhà trong thôn do Dự án hỗ trợ vẫn an toàn trụ vững và không hề bị hư hại.

Người dân xã Lộc Bình không phải là đối tượng duy nhất được Dự án hỗ trợ xây dựng những ngôi nhà an toàn như vậy - nhiều hộ dân khác ở tỉnh Quảng Ngãi cũng được hưởng lợi và hỗ trợ từ Dự án.

Bà Nguyễn Thị Mun, 78 tuổi, là một người dân của xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. Trong những năm qua, cuộc sống của bà đặc biệt khó khăn khi chồng bà ông Võ Khanh, 83 tuổi, mắc bệnh đã lâu ngày. Thu nhập của hai vợ chồng bà rất ít ỏi, chưa kể mỗi khi có bão, ngôi nhà của họ lại bị hỏng hết chỗ này đến chỗ kia. 

Do vị trí địa gần với biển, xã Bình Chánh là địa phương rất dễ bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Mỗi khi lũ dâng, các hộ gia đình ở đây lại phải đi sơ tán. “Cứ khi nào lũ đến là chính quyền xã lại đến đón tôi bằng thuyền và đưa lên chỗ cao để tránh lũ, tôi cũng được cung cấp cho mì gói để ăn,” bà Mun nói. Bà phải ở lại đó cho đến khi mực nước lũ - thường ngập sâu đến 1,5 mét - rút đi sau vài ngày.

Cuối cùng, bà Mun cũng được Dự án hỗ trợ xây dựng một ngôi nhà mới. “Bây giờ tôi có thể lên gác lửng và sinh hoạt ở đó khi có bão lũ về, trên gác tôi dùng để đồ đạc có giá trị và cả lương thực, thực phẩm của gia đình nữa. Tôi có thể tự mình lên gác lửng vì cầu thang có lan can để bám vào. Tôi mang được mọi thứ mình cần lên gác, có nước uống, quần áo, gạo, đồ ăn và một bếp ga nhỏ để có thể sinh hoạt thoải mái.”

Chung tay giúp đỡ

 

 

 

 

 

 

Trong khuôn khổ dự án, khoảng 4.000 ngôi nhà chống chịu bão, lụt sẽ được xây dựng đến cuối năm nay tại 5 tỉnh ven biển gồm Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế, Quảng Ngãi và Quảng Nam.

Những ngôi nhà an toàn được thiết kế và xây dựng qua quá trình tham vấn tại địa phương và sự tham gia của cộng đồng, với các tiêu chuẩn kỹ thuật được Viện Khoa học và Công nghệ Xây dựng Việt Nam, thuộc Bộ Xây dựng thẩm định và được Sở Xây dựng các tỉnh phê duyệt.

“Từ năm 2017 đến nay đã có hơn 3.200 ngôi nhà chống chịu bão, lụt được xây dựng, và tất cả ngôi nhà đều trụ vững và đảm bảo an toàn trong thiên tai,” ông Vũ Thái Trường, Quản lý dự án của UNDP chia sẻ. “Ngay cả cơn bão Matmo năm 2019 và cơn bão Molave gần đây cũng không gây ra bất kỳ thiệt hại nào tới những ngôi nhà an toàn này.” 

Ông Trường cho biết, chỉ tính riêng ở Thừa Thiên-Huế đã có gần 600 ngôi nhà chống bão được xây dựng với nền chống lũ cao giúp bảo vệ người dân khỏi các thiệt hại về người và tài sản. “Vì vậy, những ngôi nhà này đã trở thành nơi trú ẩn không chỉ cho chủ nhà, mà còn cho những người hàng xóm khác sống ở gần đó.”

Không phải gia đình nào cũng được hỗ trợ xây nhà như vậy, tất cả đều thông qua quá trình lựa chọn. Ưu tiên trong danh sách là những hộ đặc biệt nghèo, hoặc hộ gia đình có chủ hộ là bà mẹ đơn thân, các hộ này có thể đăng ký tham gia chương trình tại trụ sở UBND xã ở địa phương.  Sau đó, danh sách các hộ sẽ được chọn bởi một ban chuyên môn gồm các thành viên là đại diện của các cơ quan, ban ngành và tổ chức ở tất cả các cấp trong tỉnh. Các hộ được hỗ trợ có thể chọn một thiết kế phù hợp cho ngôi nhà và tự thuê nhân công xây dựng tại địa phương với số tiền được Dự án hỗ trợ thông qua ngân hàng.

Những ngôi nhà này dựa trên những thiết kế đơn giản để tạo ra kết cấu chắc chắn. Các tính năng của căn nhà gồm có một gác lửng để chống lũ có độ cao hơn mức nước dâng lớn nhất tại địa phương và có diện tích ít nhất là 10 m2. Tất cả các ngôi nhà của dự án đều có kết cấu kiên cố, được xây dựng bằng những vật liệu chất lượng cao và có phần nền móng vững chắc.

Hiện tại, UNDP đang phối hợp với Bộ Xây dựng nghiên cứu kế hoạch triển khai xây dựng nhà an toàn cho người dân nghèo ở tất cả 28 tỉnh ven biển của Việt Nam.

Sáng kiến hữu trong giám sát thi công

Những ngôi nhà chống bão này có ý nghĩa rất đặc biệt với người dân nghèo. Tuy nhiên, ít ai biết rằng một trong những yếu tố để ngôi nhà được xây dựng vững chắc, kiên cố là việc quá trình thi công được quản lý và giám sát bởi một công cụ tên là KoBo.

“Một trong những sáng kiến của hợp phần xây dựng nhà an toàn là kêu gọi sự tham gia, đóng góp của cộng đồng vào quá trình giám sát theo thời gian thực. Phần mềm KoBo giúp chúng tôi giám sát quá trình xây dựng bằng cách cho phép người dân thu thập và chia sẻ thông tin, hình ảnh thực tế tại ngay hiện trường,” Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho biết.

Bà Wiesen cũng chia sẻ thêm, “Dữ liệu được thu thập từ điện thoại di động và gửi về Hà Nội theo thời gian thực để thực hiện phân tích và báo cáo, đồng thời tiếp thu và phản hồi các vấn đề phát sinh. Phần mềm này giúp tiết kiệm thời gian và nguồn lực trong việc thu thập và phân tích dữ liệu, đồng thời giúp đưa ra phản hồi nhanh chóng khi cần.”


Phần mềm miễn phí KoBo giúp giám sát quá trình xây dựng nhà ở chống chịu bão, lụt

 

 

 

 

Theo Ông Cao Xuân Hiển, Chuyên gia tư vấn về nhà chống chịu bão, lụt của UNDP tại Việt Nam, cả ba giai đoạn xây dựng nhà ở kiên cố đều được giám sát bằng phần mềm KoBo.

Cụ thể, trong giai đoạn đầu, những người sử dụng phần mềm này - thường là chính quyền địa phương và điều phối viên dự án – sẽ nhập tất cả thông tin về ngôi nhà vào hệ thống, bao gồm: tình trạng xuống cấp, mức độ hư hỏng cùng thông tin chi tiết về gia đình, nghề nghiệp và thu nhập, cũng như địa chỉ của họ và thông tin về mẫu thiết kế được chọn để xây dựng nhà. 

Trong giai đoạn thứ hai, những hình ảnh thi công như đào móng, tường, mái nhà, cấu trúc và vật liệu xây dựng của ngôi nhà được tải lên phần mềm KoBo. Điều này giúp Ban quản lý dự án giám sát chất lượng và quá trình xây dựng, đặc biệt là đối với các kỹ thuật đang được áp dụng.

Trong giai đoạn thứ ba, khi ngôi nhà được hoàn thành, hình ảnh chi tiết về nhà mới, thông tin về nhà tài trợ cũng như ý kiến, cảm nghĩ của người hưởng lợi về ngôi nhà đều được cập nhật trong KoBo. Bất kỳ ý kiến đóng góp nào về ngôi nhà đều được phản hồi nhanh chóng, đảm bảo yêu cầu về kết cấu nhà và chất lượng xây dựng được tuân thủ nghiêm ngặt.

“Việc thu thập dữ liệu trên di động này đã cung cấp thông tin và hình ảnh cho công tác giám sát xây dựng nhà, đặc biệt là trong điều kiện khó khăn về khoảng cách địa lý và số lượng lớn các ngôi nhà đang được xây dựng cùng một lúc”, ông Hiển chia sẻ. “Ngoài ra, phần mềm này còn rất hữu ích khi lưu trữ thông tin tập trung của 5 tỉnh trong cùng một hệ thống. Khi chúng tôi cần bất kỳ thông tin liên quan hoặc một hình ảnh cụ thể nào đều có thể dễ dàng truy cập vào phần mềm này”.