Tin tức về dự án
Được đăng tải trên Báo Đầu Tư ngày 19/01/2021
Với tỷ lệ lớn những người dân nghèo sinh sống trong những ngôi nhà xập xệ tại các địa phương ven biển, nhiều hộ gia đình đang thực sự cần một gói bảo hiểm cho ngôi nhà của mình. Tuy nhiên, việc không có những gói bảo hiểm liên quan đến nhà cửa trong hệ thống ngân hàng khó có thể khiến mong ước của những người nghèo thành hiện thực.
Nằm dọc đường bờ biển dài 12km, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi – một tỉnh Nam Trung Bộ, là nơi sinh sống của 2.000 hộ dân và hơn 10.000 nhân khẩu. Gần một phần mười trong số đó là các hộ nghèo với thu nhập trung bình hàng tháng chỉ từ 500.000-600.000 đồng (22-26 đô la).
Các trận lũ bão lịch sử trong tháng 10 vừa qua đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho cả xã cùng các xã lân cận. Tại Bình Thuận, tổng số 1.155 hộ gia đình bị tổn thất nặng nề, nhiều căn nhà bị tốc mái, nứt tường. Thậm chí có căn nhà đã bị sập hoàn toàn.
“Người dân địa phương đang cố gắng cầm cự sau cơn bão. Nhiều người trong số họ không có đủ tiền để sửa nhà và đang chờ nhà nước hỗ trợ”, ông Ngô Văn Vương, Chủ tịch xã Bình Thuận, chia sẻ. “Nếu họ được cung cấp một gói bảo hiểm thì có lẽ cuộc sống sẽ đỡ vất vả hơn. Chúng tôi từng làm việc với một số hãng bảo hiểm về việc này, nhưng không hãng nào sẵn sàng hợp tác vì e ngại những rủi ro có thể gặp phải từ loại hình bảo hiểm này”.
Tại thôn Sông Cầu, anh Huỳnh Anh Thơ, 45 tuổi, làm nghề nông cũng chia sẻ rằng anh mong muốn có một gói bảo hiểm của ngân hàng. Ngôi nhà của anh là ngôi nhà duy nhất trong xã bị sập hoàn toàn sau trận bão vừa qua, hiện anh không còn nhà để ở.
“Nếu ngôi nhà này của tôi được bảo hiểm, chắc là tôi đã có thể sửa được nhà rồi. Bây giờ chúng tôi không biết phải làm gì. Những người khác cũng đang chịu cảnh khó khăn này nên họ chẳng thể giúp đỡ tôi nhiều,” anh Thơ nói.
Trường hợp của anh Thơ ở Quảng Ngãi không phải là trường hợp duy nhất. Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, trận bão vừa rồi đã gây thiệt hại khoảng 4,48 nghìn tỷ đồng (gần 195 triệu đô la), tương đương 8,1% GDP năm 2019 của tỉnh. Trận bão đã khiến 13 người bị thương, làm sập hoàn toàn 325 ngôi nhà và làm tốc mái 140.000 ngôi nhà khác. Ngoài ra, 450 điểm trường, 70 trạm y tế, và hơn 100 nhà văn hóa cộng đồng bị hư hại, cũng như nhiều tuyến đường giao thông và công trình thủy lợi bị tàn phá nghiêm trọng.
Cùng với tỉnh Quảng Ngãi, toàn bộ khu vực miền Trung cũng vẫn chưa khắc phục được hậu quả của trận mưa lũ lịch sử vừa qua. Tỉnh Quảng Bình có 12 xã ven biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng với hàng nghìn hộ nghèo bị mất nhà cửa, như trường hợp của bà Nguyễn Thị Linh ở xã Hiền Ninh.
Bà Linh, một nông dân 65 tuổi, là người khuyết tật ngụ tại thôn Bắc Cổ Hiền. Bà hiện sống nhờ vào sự hỗ trợ của bà con lối xóm. Chồng bà đã mất cách đây nhiều năm. Tường nhà của bà đã bị nứt khiến bà thấy rất lạnh trong mùa đông nhưng lại không có tiền để sửa nhà.
“Tôi chưa từng nghĩ đến việc sẽ có 1 gói bảo hiểm cho căn nhà của mình. Nếu điều này trở thành hiện thực, tôi sẽ có một ngôi nhà chắc chắn hơn,” bà Linh cho biết.
Ông Lê Hoài Vũ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hiền Ninh giải thích rằng có rất nhiều hộ gia đình khác đồng cảnh ngộ với bà Linh. “Chúng tôi đã từng xem xét các gói bảo hiểm cho hộ nghèo, nhưng nhà nước chưa có chương trình hay chính sách cụ thể nào về vấn đề này nên không có công ty bảo hiểm nào có thể hợp tác với những người nghèo như vậy”.
Xã Hiền Ninh có dân số hơn 8.000 người và sống dựa vào 270 ha đất nông nghiệp, với thu nhập bình quân đầu người là 20 triệu đồng/năm.
Không có chương trình bảo hiểm nào
Ở Việt Nam, hầu hết trong số 30 công ty bảo hiểm phi nhân thọ - bao gồm các công ty hàng đầu như Bảo hiểm Dầu khí, Bảo Việt, Công ty Cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO), Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI), Bảo Minh và Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) – đều cho biết thị trường bảo hiểm của Việt Nam mới chỉ có các sản phẩm bảo hiểm thông thường để bảo vệ nhà ở tư nhân nói chung, và do đó chưa có sản phẩm nào dành riêng cho nhà ở vùng lũ.
Ông Nguyễn Việt Sơn, Phó Giám đốc Khối Tài sản Kỹ thuật của PJICO, chia sẻ rằng hầu như không có công ty bảo hiểm nào ở Việt Nam cung cấp gói bảo hiểm cho nhà ở vùng lũ, tuy có một số dịch vụ nhưng không phổ biến.
Ông Sơn cho biết: “PJICO không cung cấp dịch vụ này. Chúng tôi cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho nhà ở tư nhân, tập trung vào một số loại nhà, bao gồm chung cư, nhà phố và biệt thự, với một số điều kiện cụ thể”
Tương tự như vậy, BIC cũng không phải là một ngoại lệ. Ông Nguyễn Mạnh Hải, Phó giám đốc Bộ phận tiếp thị và chăm sóc khách hàng của BIC, cho biết “Các gói bảo hiểm phổ biến nhất là các gói dành cho nhà ở nói chung. Thông thường, khách hàng có thể mua gói chống ngập sau khi họ tham gia các gói bảo vệ cháy nổ”.
Cũng đầu tư mạnh mẽ vào mảng bảo hiểm cho các nhà ở tư nhân trong những năm gần đây, PTI cho biết chỉ cung cấp các gói bảo hiểm dành cho nhà ở tư nhân nói chung.
“Do các khu vực này thường xuyên xảy ra thiên tai, lũ lụt, đặc biệt là các vùng ven cách biển khoảng 1km, mức độ rủi ro rất cao nên sản phẩm bảo hiểm cho nhà ở tư nhân ở những khu vực này còn hạn chế. Chúng tôi hiện không có sản phẩm nào như vậy,” đại diện Bộ phận tiếp thị của PTI xác nhận.
Nhu cầu bảo hiểm
Với diễn biến rủi ro thiên tai ngày càng phức tạp trong những năm gần đây, các chuyên gia bảo hiểm cho rằng, nếu không có chính sách hỗ trợ nhà ở vùng lũ của Chính phủ, nhiều người nghèo sẽ tiếp tục sa lầy trong khó khăn.
Theo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), bảo hiểm đóng một vai trò quan trọng trong rủi ro thiên tai bằng việc cung cấp cho Chính phủ và các bên liên quan các phương tiện tài chính để ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Các sản phẩm bảo hiểm thường được gọi là 'giải pháp chuyển giao rủi ro dựa trên thị trường' qua việc cung cấp các giải pháp tài chính hiệu quả hơn về mặt chi phí cho các rủi ro cấp trung bình đến cao đối với các thiệt hại từ thiên tai ở các mức độ khác nhau. Mặc dù bảo hiểm là một trong những yếu tố quan trọng của rủi ro tài chính, nhưng ở Việt Nam, bảo hiểm vẫn đứng ở một vị trí rất khiêm tốn trong hộp công cụ tài chính hiện đang được chính phủ sử dụng.
Trong thực tế những năm qua, một số tổ chức đã và đang triển khai các chương trình và dự án xây nhà chống lũ cho người nghèo ở vùng ven biển trên khắp cả nước.
Với nỗ lực nhằm giúp đỡ nhiều người hơn trong bối cảnh thiên tai ngày càng gia tăng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Xây dựng đã và đang triển khai sáng kiến xây dựng hơn 4.000 ngôi nhà chống bão lụt từ năm 2017 tại 5 tỉnh ven biển miền Trung gồm Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế, Quảng Ngãi và Quảng Nam.
Sáng kiến này nằm trong khuôn khổ của dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” với trị giá gần 42 triệu đô la do Quỹ Khí hậu Xanh (GCF), Chính phủ Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ. Nguồn vốn thực hiện bao gồm hơn 30,8 triệu đô la hỗ trợ từ GCF và 1,6 triệu đô la từ UNDP, và phần còn lại là vốn đối ứng từ Chính phủ Việt Nam. Cho đến nay, hơn 3.300 ngôi nhà chống chịu bão, lụt đã được xây dựng tại 5 tỉnh. Mục tiêu của Dự án là hoàn thành việc xây dựng 4.000 ngôi nhà an toàn mới, nhằm hỗ trợ nhà ở cho 20.000 người nghèo bị ảnh hưởng bởi thiên tai thuộc 100 xã của các tỉnh ven biển nói trên.
Những ngôi nhà an toàn này được thiết kế đơn giản, xây dựng bằng xi-măng với cấu trúc kiên cố, gồm một tầng lửng để chống ngập lụt cùng mái nhà được gia cố chắc chắn. Khi thiên tai, lũ lớn xảy ra, tầng lửng là nơi giúp người dân trú nạn và sinh hoạt, ngoài ra còn là nơi để lưu trữ các đồ vật có giá trị, tránh khỏi việc bị lũ làm hỏng hoặc cuốn trôi.
“Chúng tôi vừa hoàn thành một số nghiên cứu về các giải pháp tài chính bảo hiểm cho rủi ro thiên tai và khí hậu đối với các vùng ven biển của Việt Nam. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, chúng tôi sẽ làm việc với Tổng cục Phòng chống Thiên tai Việt Nam để tìm thêm các cơ hội hỗ trợ các hộ nghèo và cận nghèo, giúp họ có khả năng chống chịu tốt hơn trước các tác động rủi ro thiên tai và khí hậu”, ông Vũ Thái Trường, Quản lý dự án của UNDP chia sẻ.
Chừng nào vẫn chưa có những chính sách bảo hiểm dành cho nhà ở vùng lũ thì hàng trăm nghìn người nông dân nghèo như anh Huỳnh Anh Thơ ở Quảng Ngãi hay bà Nguyễn Thị Linh ở Quảng Bình vẫn sẽ phải tiếp tục cuộc sống đầy khó khăn.
“Chúng tôi mong rằng một ngày nào đó, ngôi nhà của họ sẽ được hưởng bảo hiểm ưu đãi của nhà nước”, ông Vương, chủ tịch xã Bình Thuận cho biết. “Bảo hiểm có thể giúp người dân bớt lo lắng về khoản tiền tiền sửa nhà sau bão lũ.”
Tin mới
- Lồng ghép nội dung Phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội tại địa phương (07/04/2022)
- Thúc đẩy mạng lưới doanh nghiệp tiên phong và chủ động trong phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và dịch bệnh (15/10/2021)
- Lễ phát động cuộc thi “Tìm kiếm sáng tạo truyền thông về giảm thiểu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu” (12/10/2021)