Tin tức về dự án
Trang bị kiến thức ứng phó biến đổi khí hậu
Là 1 trong những quốc gia dễ bị tổn thương trước thiên tai và biến đổi khí hâu, Việt Nam thường xuyên phải hứng chịu những thiệt hại nặng nề. Để giảm thiểu các tổn thất này, việc lồng ghép giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương là một trong những biện pháp hiệu quả nhất hiện nay, giúp địa phương chủ động ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu.
Các trận bão Linfa, Nangka, Ofel và Molave đổ bộ vào miền Trung của Việt Nam cuối tháng 10 vừa qua đã gây ra thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Phòng chống Thiên tai, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT), tính đến cuối tháng 10, tổng thiệt hại sau thiên tai là 240 người chết, 243.000 ngôi nhà bị sập và ngập úng, cùng 1,3 tỷ đô la thiệt hại về cơ sở hạ tầng.
“Các tỉnh, thành Miền Trung vừa trải qua 2 đợt mưa lớn kỉ lục. Tổng lượng mưa ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế đều vượt qua lượng mưa lịch sử được ghi nhận vào năm 1979 và 1999. Tại một số nơi, lượng mưa một ngày được ghi nhận lên tới 800mm và tổng lượng mưa mỗi đợt là 3000mm,” Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NNPTNT cho biết.
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, thiệt hại trung bình hàng năm do thiên tai gây ra ước tính khoảng 2,7 tỉ đô la, trong đó 60% tổn thất tập trung ở các vùng ven biển.
Mối đe dọa chủ yếu
Các thách thức về thiên tai và khí hậu đã trở thành ưu tiên hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam. Điều này được thể hiện qua các chiến lược ngành và quốc gia, trong đó các thách thức trên được xác định là một trong những trụ cột chính của Kế hoạch phát triển quốc gia mới trong thập kỷ tới. Chính phủ đã thông qua Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu năm 2011 và Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam năm 2012 với tầm nhìn đến năm 2050. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã thông qua Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020 nhằm hỗ trợ cải cách chính sách, tăng cường năng lực và tăng cường đầu tư cho các hoạt động ưu tiên về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh ở các lĩnh vực chính như quản lý năng lượng, giao thông, lâm nghiệp và tài nguyên nước.
Về hợp tác quốc tế, Chính phủ cũng ủng hộ bảo vệ môi trường, theo đó là việc tham gia và ký cam kết tại Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu tại Paris năm 2015.
Rủi ro từ biến đổi khí hậu và thiên tai hiện được xem là mối đe dọa trực tiếp tới mục tiêu trở thành nền kinh tế thu nhập cao của Việt Nam. Những tổn thất trực tiếp và gián tiếp do thiên tai gây ra đang ảnh hưởng không chỉ đến khả năng chống chịu và tính bền vững của nền kinh tế mà còn ảnh hưởng đến khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh chóng và bao trùm.
Theo đó, vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng nhanh chóng nhưng không xem xét đến các rủi ro do thiên tai và khí hậu sẽ dẫn đến việc tăng nguy cơ thiệt hại và dễ bị tổn thương trước thiên tai. “Với mức tăng trưởng dự đoán là 265% trong vòng 10 năm tới, thiệt hại trung bình hàng năm do thiên tai tai gây ra ở các vùng ven biển dự kiến sẽ lên đến 4,2 tỉ đô la/năm”, theo báo cáo "Từ COVID-19 đến biến đổi khí hậu: Làm thế nào để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong phục hồi xanh" của Ngân hàng Thế giới.
Báo cáo cũng chỉ ra những thành tựu phát triển sẽ bị đe dọa do thiệt hại về người, về tài sản, đất canh tác và cơ sở hạ tầng, sản lượng nông nghiệp cùng năng suất lao động giảm, thất thu thuế; và ngân sách công bị bội chi cho công tác khắc phục hậu quả thiên tai.
“Việt Nam đang đứng trước ngã ba của quá trình phục hồi sau đại dịch. Việt Nam đang có cơ hội phát triển đất nước trên con đường tăng trưởng xanh, thích ứng biến đổi khí hậu tốt hơn và phát triển bao trùm hơn, từ đó tăng cường khả năng chống chịu với những thách thức trong tương lai đến từ đại dịch và thiên tai,” theo chia sẻ của bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.
Một sáng kiến mới
Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm Phát triển Cộng đồng Sinh thái (ECODE) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhằm thực hiện gói thông tin về giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu (Giảm nhẹ RRTT-Thích ứng BĐKH) cho 07 tỉnh ven biển bao gồm Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Cà Mau, từ đó giúp các tỉnh lồng ghép rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Gói thông tin rủi ro này là một phần của sáng kiến nhằm Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam do UNDP, Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) và Chính phủ Việt Nam đồng tài trợ.
Cụ thể, vào tuần trước, ECODE đã phối hợp với Ban quản lý dự án GCF tỉnh Quảng Bình tổ chức hội thảo tập huấn lập kế hoạch tại thành phố Đồng Hới, tập trung vào việc lồng ghép Giảm nhẹ RRTT-Thích ứng BĐKH vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm trong giai đoạn 2021-2025 của tỉnh. Một buổi tập huấn tương tự cũng đã được tổ chức tại Quảng Nam vào tháng 12 vừa qua.
“Trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 của tỉnh, Quảng Nam coi thích ứng với biến đổi khí hậu là trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và của cả cộng đồng,” bà Lê Thị Tuyết Hạnh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam cho biết. “Tỉnh sẽ lồng ghép các yếu tố biến đổi khí hậu vào các chiến lược, kế hoạch phát triển của các cấp, các ngành và địa phương, kể cả trong các văn bản quy phạm pháp luật và trong quá trình thực hiện”.
Thống kê thiệt hại do thiên tai gây ra tại Quảng Nam giai đoạn 2010-2016 cho thấy tổng thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 4,2 nghìn tỷ đồng (182,6 triệu đô la). Đặc biệt trong năm 2020, các loại hình thiên tai cực đoan đã gây tổn thất nặng nề, ước tính đến hàng trăm triệu đô la Mỹ tại tỉnh Quảng Nam, trong đó lũ lụt và sạt lở đất đã khiến hàng chục người thiệt mạng.
Tại một địa phương khác của Dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH & ĐT) tỉnh Nam Định, một tỉnh cũng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, đã triển khai kế hoạch lồng ghép các nội dung phòng chống thiên tai và Thích ứng BĐKH vào Kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025. Theo kế hoạch, UBND tỉnh đã ban hành một chỉ thị về việc lồng ghép các nội dung phòng chống thiên tai và Thích ứng BĐKH. Trên cơ sở đó, Sở KH & ĐT đã ban hành hướng dẫn thực hiện. Sau đó, đề án lồng ghép sẽ được thảo luận dựa trên ý kiến đóng góp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tiếp theo, đề án sẽ được đệ trình lên UBND tỉnh xin ý kiến trước khi các huyện triển khai việc lồng ghép các nội dung phòng chống thiên tai và Thích ứng BĐKH vào các kế hoạch phát triển KTXH cấp huyện.
Theo Ban quản lý dự án GCF-UNDP, các hội thảo về lồng ghép các nội dung phòng chống thiên tai và Thích ứng BĐKH vào các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 đã được tổ chức tại các tỉnh Nam Định, Thừa Thiên-Huế, Quảng Ngãi và Cà Mau.
Đã có hơn 270 đại biểu các tỉnh trên tham gia các Hội thảo tập huấn về lồng ghép, trong đó có 300 cán bộ lập kế hoạch và 60 đại biểu tham gia quá trình tham vấn và thảo luận - với 30% là phụ nữ. Đây là các đại diện từ cấp tỉnh, huyện và xã. “Các đại biểu đã được trang bị kiến thức về tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu đối với tất cả các lĩnh vực của địa phương mình. Đặc biệt, các đại biểu hiểu rằng cần phải đẩy mạnh việc lồng ghép các nội dung PCTT và Thích ứng BĐKH vào các mục tiêu phát triển bền vững của địa phương mình,” theo Báo cáo của Ban Quản lý Dự án.
Dự án cũng đã tổ chức các lớp tập huấn về PCTT - Thích ứng BĐKH cho khoảng 330 xã thuộc 35 huyện của 7 tỉnh dự án.
Tính đến cuối tháng 12 năm 2020, 5 tỉnh thuộc dự án gồm Nam Định, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Cà Mau - đã hoàn thành dự thảo Kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, Cà Mau đã lồng ghép các nội dung PCTT - Thích ứng BĐKH vào Kế hoạch phát triển KTXH của tỉnh, với các chỉ tiêu cụ thể cho một số lĩnh vực như nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường, công thương, giao thông, xây dựng, giáo dục và đào tạo, y tế.
Tương tự, Thừa Thiên-Huế cũng đã thực hiện lồng ghép các nội dung PCTT - Thích ứng BĐKH vào các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng thủy lợi, các công trình ven biển và quy hoạch sử dụng đất. Một số dự án cụ thể được xây dựng như: củng cố 1.180km kênh mương thủy lợi, cải tạo một đoạn bờ biển Thuận An-Tư Hiền, phòng chống sạt lở khu vực ven biển Hải Dương; và xây dựng khu neo đậu tàu thuyền tránh bão tại khu vực Phú Hải.
Nhấn mạnh về lợi ích của việc lồng ghép các vấn đề PCTT - Thích ứng BĐKH vào các chiến lược và quy hoạch, Giáo sư Trương Quang Học, chuyên gia về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững cho biết: “Lồng ghép toàn diện sẽ tiết kiệm và tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, đặc biệt là về mặt thời gian cũng như kinh phí. Hơn nữa, việc lồng ghép này cũng làm nâng cao chất lượng của các công trình và giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu nhờ có sự tham gia của các bên liên quan thông qua đầu tư tập trung.”
Tin mới
- Lồng ghép nội dung Phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội tại địa phương (07/04/2022)
- Thúc đẩy mạng lưới doanh nghiệp tiên phong và chủ động trong phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và dịch bệnh (15/10/2021)
- Lễ phát động cuộc thi “Tìm kiếm sáng tạo truyền thông về giảm thiểu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu” (12/10/2021)