Tin nổi bật Tin nổi bật

Quỹ Khí hậu Xanh giúp đỡ các cộng đồng ven biển nâng cao khả năng chống chịu với tác động của biến đổi khí hậu
Ngày đăng 06/02/2017 | 17:04

Cuộc sống của hơn 500.000 người dân sống ở các vùng ven biển của Việt Nam bị đe dọa bởi bão mỗi năm. Nhiều người trong số đó thuộc diện rất nghèo và phải sống trong những ngôi nhà không an toàn. Nhiều gia đình như gia đình ông Phạm Văn Tôn, 77 tuổi, sống tại xã Hải Lộc, tỉnh Thanh Hóa, phải sống trong những căn nhà nhỏ không an toàn mà họ không có khả năng sửa chữa. Vợ ông Tôn bị khuyết tật, và ông sợ nếu ông và gia đình vay một khoản tiền thì họ sẽ không thể trả được.

"Bất cứ khi có bão lớn, chúng tôi rất lo rằng nhà sẽ sập. Chúng tôi quá nghèo nên không thể sửa nó được", ông Tôn nói.

Theo Chỉ số Rủi ro Khí hậu dài hạn, Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất do thiên tai. Các dự báo về biến đổi khí hậu quốc gia cho thấy những hiện tượng khí hậu khắc nghiệt đang ngày càng trở nên nghiêm trọng và thường xuyên. Người nghèo ở các cộng đồng ven biển đặc biệt có nguy cơ và tụt hậu trong vấn đề phục hồi. Hàng năm, gần 60.000 ngôi nhà bị phá huỷ hoặc bị hư hại do lũ lụt, điều này khiến cho những gia đình dễ bị tổn thương khó thoát nghèo hơn.

Trong những năm gần đây, do sự gia tăng dân số và việc mở rộng nuôi tôm thiếu quy hoạch, diện tích và chất lượng của rừng ngập mặn, lâu nay đóng vai trò là vùng đệm quan trọng trong ngăn chặn bão, đã giảm đáng kể.

Để giúp đỡ các gia đình như gia đình ông Tôn, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Chính phủ Việt Nam vừa công bố một dự án trị giá 29,5 triệu đô la mang tên "Tăng cường khả năng phục hồi của các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương trước các tác động liên quan đến biến đổi khí hậu ở Việt Nam".Là dự án đầu tiên được Việt Nam phê duyệt với sự hỗ trợ của Quỹ Khí hậu Xanh (GCF), dự án đã được phát triển dưới sự hợp tác giữa UNDP, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Xây dựng, 7 tỉnh duyên hải cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Cơ quan đầu mối quốc gia.

Dự án sẽ giúp các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương tự bảo vệ mình trước các tác động của biến đổi khí hậu thông qua việc xây dựng nhà ở an toàn với các tính năng thiết kế chống chịu bão lũ. Dự án cũng sẽ giúp tăng độ che phủ của rừng ngập mặn để tạo ra một vùng đệm tự nhiên giữa các cộng đồng ven biển và bờ biển, cũng như tăng cường phổ biến thông tin về rủi ro khí hậu để hướng dẫn việc ứng phó và lập kế hoạch thông báo rủi ro.

"Đây thực sự là một dự án thú vị mang lại lợi ích cho cộng đồng, cho đất nước và cho toàn cầu" Ông Howard Bamsey, Giám đốc Điều hành của GCF nói. Ông đã cùng các lãnh đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UNDP thông báo về dự án trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của mình trong ngày 26-27 tháng 6 năm 2017. "Đây thực sự là một bước ngoặt quan trọng đối với GCF chúng tôi, bởi các cộng đồng ven biển sẽ tăng cường khả năng chống chịu với các tác động của biến đổi khí hậu bằng cách sử dụng hiệu quả dữ liệu khí hậu quốc gia. Những bài học trong việc sử dụng dữ liệu khí hậu và cải thiện sinh kế của các cộng đồng ven biển bằng cách khôi phục rừng ngập mặn bị mất trong những năm gần đây có thể được áp dụng ở các vùng khác của Việt Nam, ở Đông Nam Á và trên toàn thế giới.”

Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc và Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam nói: "UNDP đã và đang làm việc chặt chẽ với Chính phủ và cộng đồng để đảm bảo rằng chúng ta có một hệ thống các dự án có chất lượng cao, đóng góp một cách có ý nghĩa để đạt được các mục tiêu của Hiệp định Paris". Ông nhấn mạnh cam kết của UNDP trong việc đảm bảo thực hiện có hiệu quả dự án này, nhằm "tăng cường khả năng phục hồi của các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương trước các tác động liên quan đến biến đổi khí hậu ở Việt Nam.”

Dự án cũng đã được chào đón bởi những người như ông Tôn, người mong muốn một tương lai an toàn và bền vững hơn: "Tôi muốn gia đình tôi có thể sống trong một ngôi nhà an toàn hơn và chúng tôi có sức khoẻ tốt.Thật tuyệt khi có dự án này ở đây".