Thông cáo báo chí
Hà Nội, ngày 26 tháng 10 năm 2020 - Các tỉnh miền Trung đã hứng chịu các trận mưa lớn, dai dẳng, lũ lụt trên diện rộng và sạt lở đất do các cơn bão số 5 và số 6 gây ra, kể từ ngày 5 tháng 10, dẫn đến hơn 270.000 ngôi nhà bị ngập, hơn 37.500 căn nhà bị hư hại, và khoảng 57.000 người phải sơ tán đến những nơi trú ẩn tạm thời. Thông tin được trình bày bởi các chuyên gia của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), những người đã phối hợp chặt chẽ với Tổng cục phòng chống thiên tai và các đối tác trong việc đánh giá nhanh về nhu cầu tại tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, tại cuộc thảo luận do Chính phủ và Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức hôm nay ở văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai.
Trận lũ lịch sử và sạt lở đất đã cướp đi sinh mạng của 130 người và làm ảnh hưởng đến hàng triệu người khác. Những ngôi nhà đã bị hư hại nhiều khả năng không ổn định và có thể bị ảnh hưởng thêm nếu cơn bão Molave đổ bộ vào Việt Nam vào cuối tuần này.
Nhiều người đã mất gần như toàn bộ tài sản trong gia đình vào dòng nước lũ, và nhiều người khác trở thành những người vô gia cư. Người nghèo và cận nghèo sẽ không có đủ phương tiện để đầu tư sửa chữa, xây dựng lại nhà ở hoặc mua sắm nhu yếu phẩm cần thiết. Tất cả đều đã bị đẩy đến đỉnh điểm.
UNDP đang có các hỗ trợ quan trọng cho Chính phủ Việt Nam và các cộng đồng dễ bị tổn thương. “Chúng tôi đã huy động 100.000 đô la Mỹ từ các nguồn lực khẩn cấp của mình để hỗ trợ thiết yếu cho việc đánh giá, điều phối, ứng phó và lập kế hoạch phục hồi. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ những người dễ bị tổn thương và bị ảnh hưởng bởi lũ lụt bằng cách xây dựng những ngôi nhà an toàn chống chịu bão, lụt. Chúng tôi tự hào rằng gần 600 ngôi nhà chống chịu với bão do chúng tôi thiết kế và hỗ trợ xây dựng ở tỉnh Thừa Thiên Huế đã chống chọi được với những cơn bão, lũ liên tục trong thời gian gần đây, bao gồm cả đợt lũ lụt lịch sử trong vài tuần qua,”bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết.
Tính đến nay, hơn 3.250 ngôi nhà chống chịu bão, lụt đã được xây dựng tại 5 tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Thanh Hóa bởi dự án do Quỹ Khí hậu Xanh-Chính phủ Việt Nam-UNDP hỗ trợ mang tên “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” và hơn 800 ngôi nhà chống chịu bão, lụt khác đang được lên kế hoạch xây dựng vào năm 2021.
Điều quan trọng là phải nhân rộng và mở rộng quy mô các mô hình nhà an toàn ở Việt Nam, đặc biệt là cho người nghèo và cận nghèo ở 28 tỉnh ven biển. Những ngôi nhà an toàn được xây dựng với các tính năng chính giúp chống chịu với tác động của bão mạnh, lũ lụt lịch sử và các sự kiện khí hậu cực đoan để bảo vệ người dân và tài sản của họ. Điều này đòi hỏi các nỗ lực phối hợp của Chính phủ, khu vực tư nhân, các cá nhân và các đối tác phát triển.
Bà Wiesen nhấn mạnh UNDP sẽ tiếp tục hỗ trợ bằng cách tập trung vào các cách tiếp cận tổng hợp để quản lý rủi ro thiên tai, bao gồm trồng rừng ngập mặn để làm vùng đệm chống bão, nước biển dâng và nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai tại cộng đồng và địa phương ở bảy tỉnh ven biển. UNDP cũng sẽ hỗ trợ Tổng cục Phòng chống thiên tai và 5 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất xây dựng bản đồ nguy cơ lũ lụt một cách toàn diện để hỗ trợ lập kế hoạch phát triển. Bằng cách tích hợp các biện pháp giảm thiểu rủi ro lũ lụt, hy vọng rằng tác động của lũ lụt trong tương lai sẽ được giảm bớt.
Để biết thêm thông tin, xin mời liên hệ:
Phan Hương Giang
Cán bộ báo chí và truyền thông, Biến đổi khí hậu và Môi trường
Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc,
Mobile: 0948466688
Email: phan.huong.giang@undp.org
Tin mới
- Lồng ghép nội dung Phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội tại địa phương (07/04/2022)
- Thúc đẩy mạng lưới doanh nghiệp tiên phong và chủ động trong phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và dịch bệnh (15/10/2021)
- Lễ phát động cuộc thi “Tìm kiếm sáng tạo truyền thông về giảm thiểu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu” (12/10/2021)