Tin tức về dự án
Đăng tải trên VOV World ngày 14/11/2020
(VOVWORLD) - Người dân tại xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đang tập trung khắc phục hậu quả sau bão Molave. Họ đã sống sót sau trong bão mạnh nhất thập kỷ đổ bộ vào đất liền nhờ vào mô hình nhà an toàn thuộc dự án Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam. Dự án được tài trợ bởi Chính phủ Việt Nam, Quỹ Khí Hậu Xanh (GCF) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP).
Cơn bão Molave càn quét tỉnh Quảng Ngãi vào cuối tháng 10, là cơn bão lớn nhất mà bà Huỳnh Thị Phương, 80 tuổi, xã Bình Thuận từng chứng kiến trong đời. Chỉ trong vài giờ, dưới ảnh hưởng của cơn bão, nhiều cây cối gãy đổ, nhà cửa bị phá hủy ngổn ngang cùng mùa màng, hoa màu bị nhấn chìm. Ngôi nhà của anh Nguyễn Bồng bị hư hại nặng nề, giờ anh đang phải tạm tá túc ở nhà người thân, cơn bão đến đã thổi tốc mái và làm nứt, bong tróc nhiều mảng tường của ngôi nhà tình thương mà anh được tặng từ mấy năm trước. Số tiền dự tính để sửa lại căn nhà rơi vào 860 USD. Nhà của anh Nguyễn Long cũng bị cơn bão ảnh hưởng, nhưng vì mức độ thiệt hại nhẹ nên anh Long quyết định tự sửa nhà bằng tiền của mình, để tiền cứu trợ giúp đỡ cho những bà con gặp khó khăn hơn. Vì bão đến, anh Long cùng những ngư dân địa phương khác không thể đi đánh bắt xa bờ, nên giờ gia đình anh mất đi nguồn thu nhập chính.
Trong khi đó, bà Phạm Thị Em vẫn bình an vượt qua thiên tai nhờ có căn nhà an toàn được xây dựng vào tháng 6 năm ngoái. Ngôi nhà trước đây của bà đã bị sụp đổ trong một trận bão. Bà Em thuộc diện hộ nghèo được hỗ trợ một căn nhà an toàn mới.
“Căn nhà bị sập do cây to gãy đổ đè vào nhà. Là người già neo đơn, tôi được hỗ trợ căn nhà an toàn này nên tôi thấy rất biết ơn. Nếu để tôi tự xây nhà thì có lẽ nó cũng sẽ bị phá hủy trong cơn bão Molave. Ngôi nhà an toàn của tôi cũng trở thành nơi trú ẩn giúp đỡ bà con hàng xóm, mọi người không cần phải đi thật xa để sơ tán như ngày xưa nữa,” bà Em chia sẻ.
Tầng lửng là một yếu tố quan trọng khi thiết kế nhà chống chịu bão, lụt của dự án. Căn nhà thuộc dự án phải có tầng lửng cao hơn mực nước lũ lớn nhất từng xảy ra tại địa phương.
Ông Vũ Thái Trường, cán bộ dự án của UNDP, cho biết: “Tất cả nhà của dự án đều có kết cấu kiên cố, được gia cố bằng vật liệu xây dựng chất lượng cao với móng nhà chắc chắn. Tầng lửng phải cao hơn 1,5 mét so với mực nước lũ lớn nhất. Tay vịn cầu thang dẫn lên tầng lửng, cửa sổ và cửa ra vào đều được làm bằng vật liệu kiên cố. Cửa ra vào có chốt chắc chắn để ngăn cản gió lớn và nước mưa. Phần mái nhà được lợp ngói hoặc tấm kim loại và gia cố bằng các thanh giằng bên dưới. Hệ thống thoát nước xung quanh căn nhà phải được thông thoáng, đảm bảo vệ sinh.”
Mô hình nhà an toàn này chủ yếu hỗ trợ những người nghèo, bà mẹ đơn thân, người khuyết tật và người có hoàn cảnh khó khăn. Chi phí xây dựng một căn nhà an toàn hợp lý và tiết kiệm. Mô hình nhà cũng kết hợp các yếu tố truyền thống của địa phương đã được Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng của Bộ Xây dựng phê duyệt.
Theo ông Ngô Văn Vương, Chủ tịch UBND xã Bình Thuận, mô hình nhà an toàn đã chứng minh được hiệu quả trong cơn bão Molave. Chính quyền địa phương đã triển khai khuyến khích người dân tự xây nhà an toàn theo mô hình này. Nếu không đủ kinh phí, người dân cũng được hướng dẫn đào rãnh nhỏ chống bão.
“Chúng tôi đang triển khai chiến dịch truyền thông với người dân. Trước đây, khi bão ập đến, cách tốt nhất để bảo vệ tính mạng của người dân là sơ tán. Giờ đây, một số người có điều kiện xây được nhà kiên cố có thể làm nơi trú ẩn giúp đỡ hàng xóm mỗi khi thiên tai xảy ra, từ đó giảm đi số lượng người cần phải sơ tán. Chỉ riêng trong cơn bão Molave, hơn 1.000 người đã phải đi sơ tán, đa số là người già và trẻ em. Rất may là không có ai thiệt mạng trong đợt bão mới nhất,” theo chia sẻ của ông Vương.
Xã Bình Thuận thuộc khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai, người dân địa phương luôn nghiên cứu những biện pháp ứng phó với thiên tai. Mô hình nhà an toàn đã chứng minh là một trong những phương pháp tốt nhất đảm bảo an toàn cho người dân trong thiên tai.
Tin mới
- Lồng ghép nội dung Phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội tại địa phương (07/04/2022)
- Thúc đẩy mạng lưới doanh nghiệp tiên phong và chủ động trong phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và dịch bệnh (15/10/2021)
- Lễ phát động cuộc thi “Tìm kiếm sáng tạo truyền thông về giảm thiểu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu” (12/10/2021)