Tin tức về dự án
Đăng tải trên Báo Đầu Tư ngày 13/11/2020
Những cơn bão vừa qua gây nên nhiều mất mát và thiệt hại cho khu vực miền Trung Việt Nam và để lại những vết thương khó lành trong cuộc sống của người dân nghèo ở tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, nhiều người dân đã tránh được thiệt hại nhờ có một nơi trú ẩn an toàn và chắc chắn từ một Dự án đồng tài trợ đặc biệt.
Đã hơn một tuần trôi qua kể từ khi cơn bão số 9 đổ bộ vào tỉnh Quảng Ngãi nhưng quang cảnh dọc hai bên quãng đường 35km từ trung tâm tỉnh về đến xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn vẫn như một bãi chiến trường ngổn ngang. Từng rặng cây keo do người dân trồng và nhiều các cây to khác bị bật gốc, nằm nghiêng ngả. Cùng với đó là hàng trăm ngôi nhà bị hư hỏng và đổ sập.
Mưa lớn liên tục trong nhiều ngày đã gây ra tình trạng mất điện trên diện rộng và kéo dài, nhiều người dân rơi vào cảnh không nhà cửa.
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, trận bão gây nên thiệt hại ước tính khoảng 4,48 nghìn tỷ đồng (gần 195 triệu đô la), tương đương 8,1% GDP của tỉnh năm ngoái.
Cơn bão cũng khiến 13 người bị thương, làm sập 325 ngôi nhà, và làm tốc mái hơn 140.000 nhà khác. Ngoài ra, 450 cơ sở giáo dục, 70 cơ sở y tế và 105 nhà dân bị phá hủy cùng nhiều tuyến đường giao thông và hệ thống thủy lợi bị hỏng hóc nghiêm trọng.
Những số phận đáng thương
Xã Bình Thuận tiếp giáp trực tiếp với đường bờ biển dài 12km. Nhiều người dân nơi đây sinh sống bằng nghề đánh cá, với thu nhập bình quân hàng năm là 30 triệu đồng (1.300 đô la). Tuy nhiên, xã có 273 hộ nghèo với thu nhập bình quân tháng chỉ từ 500-600.000 đồng (22-26 đô la), tương đương với giá tiền của một chiếc áo sơ mi trung bình mà nhiều cán bộ thành phố vẫn mặc hàng ngày.
Với vẻ mặt vẫn còn nỗi sợ hãi, chủ tịch UBND xã Ngô Văn Vương chia sẻ, “Đây là trận bão mạnh nhất kể từ đầu năm nay. Nó đã gây thiệt hại nặng lên 1.155 ngôi nhà ở đây và một số trường học các cấp khác nhau. Chúng tôi đang tìm cách hỗ trợ những người bị ảnh hưởng”.
Vài giờ trước khi bão đổ bộ, lãnh đạo xã đã ra lệnh sơ tán hơn 1.000 người sống trong những ngôi nhà xập xệ đến nơi trú ẩn an toàn để tránh gió bão và ngập lụt.
Tại thôn Sông Cầu, anh Huỳnh Anh Thơ, nông dân, 45 tuổi, nằm trong số những người phải sơ tán do bão. Hai giờ trước khi gia đình bốn thành viên của anh rời khỏi căn nhà và đem theo một số ít đồ đạc, cơn bão đã san bằng ngôi nhà được xây bằng gạch của anh thành một vụn nát, mái nhà thì bị thổi bay sang khu vườn của hàng xóm.
“Chúng tôi đã mất hết sạch trong nháy mắt. Chúng tôi đã tiết kiệm tiền cả 10 năm trời để xây ngôi nhà này vài năm trước. Giờ chúng tôi không biết phải làm gì, những người khác cũng đang phải chịu cảnh khốn khổ như vậy nên không thể giúp tôi nhiều”, anh Thơ nói, vẻ buồn bã và âu lo hiện trong đôi mắt trũng sâu vì mất ngủ nhiều đêm.
Con đường quanh co vào nhà anh vẫn ngập trong nước lũ, rác thải nổi lềnh bềnh gây ô nhiễm cho môi trường xung quanh. Cách nhà của anh Thơ không xa, bà Nguyễn Thị Hương, 51 tuổi, một nông dân chăn nuôi bò cũng bị bão thổi tốc mái nhà. Con bò gầy guộc vốn là sinh kế duy nhất của gia đình 4 người đã thoát chết khi Bà Hương nhanh chóng đưa nó ra khỏi chuồng.
“Tôi vừa mới mở cổng chuồng để đưa nó ra thì chuồng bò đổ sập. Mưa bão thật kinh khủng,” bà Hương nói. “Nếu con bò này mà chết, chúng tôi không còn cách nào để kiếm tiền nuôi gia đình nữa”.
Cạnh thôn Sông Cầu là thôn Tuyết Diêm 1 cũng thuộc xã Bình Thuận. Người dân trong thôn đều đang phải gánh chịu những hậu quả do cơn bão vừa qua. Ông Nguyễn Bông, một ngư dân 60 tuổi, cũng có nhà bị tốc mái bởi gió mạnh. Ông Bông hiện đang trú tạm tại nhà của người anh họ.
Ngôi nhà của ông Bông là nhà tình thương được nhà nước xây dựng cách đây vài năm, đã bị vỡ tường. “Họ hàng nhà tôi nghèo lắm, hàng xóm láng giềng cũng vậy. Tôi không biết phải làm gì để xây một ngôi nhà mới hay sửa chữa ngôi nhà đang ở. Tốn kém lắm”, ông Bông thở dài.
Chi phí để lợp lại mái nhà ước tính khoảng 20 triệu đồng (870 đô la), tương đương với một chiếc điện thoại thông minh đời mới hiện nay.
Ông Bông nói rằng ông không biết làm sao để có được số tiền đó, nó tương đương với 5 tháng lao động không nghỉ của 3 thành viên trong gia đình. “Bây giờ 1 xu tôi dính túi tôi cũng không kiếm ra. Giờ đi đánh cá cũng khó lắm, đơn giản chỉ vì không có cá - do biển đã bị ô nhiễm rồi còn đâu”.
Cuộc sống của hầu hết cư dân trong xã vẫn còn rất khổ sở, trận bão đã làm ô nhiễm mọi nguồn nước, ruồi muỗi ở khắp nơi. Ngay cả màn chống muỗi bây giờ cũng khó mà mua được, vì nó được bán ở thành phố, cách làng quê nghèo khá xa.
Nhà an toàn
Trong khi nhiều gia đình ở xã Bình Thuận mất hết nhà cửa sau trận bão, thì vẫn có một số gia đình an toàn vượt qua trước tác động của thiên tai trong mái nhà của mình. Người nông dân nghèo Phạm Thị Em, 51 tuổi là một trong số đó.
Bà Em đã chuyển vào sống trong ngôi nhà hai tầng của mình từ tháng ba. Điều đặc biệt ở ngôi nhà rộng 30m2 của bà so với những ngôi nhà khác là được xây dựng theo mô hình chống chịu bão lũ, với thiết kế đặc biệt và đơn giản, tạo nên kết cấu chắc chắn.
Ngôi nhà an toàn này được xây dựng bằng xi-măng kiên cố, gồm một tầng lửng để chống ngập lụt cùng mái nhà được gia cố chắc chắn. Khi thiên tai, lũ lớn xảy ra, tầng lửng là nơi giúp người dân trú nạn và sinh hoạt, ngoài ra còn là nơi để lưu trữ các đồ vật có giá trị, tránh khỏi việc bị lũ làm hỏng hoặc cuốn trôi.
“Ngôi nhà là ước mơ cả đời của tôi. Khi tôi được tặng căn nhà, tôi như con mèo mù được cho cá rán vậy”, người phụ nữ làm công với tiền lương 2 đô la một ngày ấy chia sẻ. “Trước đây, ngôi nhà gỗ của tôi xập xệ lắm, mái thì dột, tường thì nứt ngang nứt dọc, ở không được, khổ nhất là trong những ngày mưa lũ”.
Trong trận bão gần đây nhất, hàng chục gia đình hàng xóm đã đến trú ẩn tại nhà bà Em vì nhà của họ đã bị tốc mái.
Ngôi nhà đặc biệt của bà Em trị giá 63 triệu đồng (2.700 đô la) nằm trong số 23 ngôi nhà chống chịu bão, lụt được xây dựng tại xã Bình Thuận. Các ngôi nhà này là một phần của Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam”, do Quỹ Khí hậu Xanh (GCF), Chính phủ Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đồng tài trợ.
Dự án được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Xây dựng và UNDP thực hiện từ năm 2017. Tổng vốn đầu tư của Dự án là gần 42 triệu đô la, bao gồm hơn 30,8 triệu đô la viện trợ không hoàn lại từ GCF và 1,6 triệu đô la viện trợ từ UNDP, phần còn lại là vốn đối ừng từ chính phủ Việt Nam. Dự kiến có khoảng 4.000 ngôi nhà chống chịu bão lũ như thế này được xây dựng tại 5 tỉnh ven biển Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi.
“Tất cả các đối tượng hưởng lợi trong xã đều là những người rất nghèo hoặc tàn tật, chủ yếu là hộ đơn thân”, Chủ tịch xã Bình Thuận, ông Vương cho biết.
Là một người khuyết tật ở địa phương, bà Ngô Thị Hạnh, 75 tuổi, đã phải sống nhờ nhà của chị họ ở thôn Tuyết Diêm 2 hàng năm trời trước khi bà được xã lựa chọn để trao tặng căn nhà rộng 30m2 từ Dự án hồi tháng 4.
“Ngôi nhà vượt xa những gì tôi có thể tưởng tượng - nó tốt và an toàn lắm. Đây là một món quà vô giá đối với tôi,” ngồi trên nền gạch tráng men còn mới, bà Hạnh vui vẻ cho biết. “Giờ đây tôi có thể sống an toàn trong những năm còn lại của cuộc đời. Nhà cũ của tôi là nền đất nên mỗi khi có mưa bị ẩm ướt lắm”.
Dự án không chỉ hỗ trợ xã Bình Thuận mà còn tiếp tục ở 35 xã khác thuộc các huyện Bình Sơn, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ, cũng như thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.
Theo UNDP, tính đến cuối tháng 10, 666 ngôi nhà chống chịu bão, lụt như vậy đã được đưa vào sử dụng ở tỉnh Quảng Ngãi.
“Những ngôi nhà an toàn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với những người yếu thế ở các vùng dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Các ngôi nhà vững chãi, an toàn ngay cả trong điều kiện thời tiết mưa bão, giúp bảo vệ cuộc sống của người dân nghèo. Có thể nói, Dự án đã biến giấc mơ của người dân địa phương thành hiện thực,” ông Nguyễn Văn Hân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi cho biết.
Tin mới
- Lồng ghép nội dung Phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội tại địa phương (07/04/2022)
- Thúc đẩy mạng lưới doanh nghiệp tiên phong và chủ động trong phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và dịch bệnh (15/10/2021)
- Lễ phát động cuộc thi “Tìm kiếm sáng tạo truyền thông về giảm thiểu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu” (12/10/2021)