Tin tức về dự án
Hỗ trợ cá giống chất lượng cao cho người dân
Đăng tải trên Báo Đầu Tư ngày 24/12/2020
Thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, nhiều hộ gia đình ở phía Bắc tỉnh Nam Định đã cải thiện sinh kế bằng việc nuôi trồng cá mú - một loại hình thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao - đồng thời phục hồi rừng ngập mặn để ứng phó với thiên tai.
Những ngày này, ông Phạm Ngọc Nhân, 56 tuổi, đang chuẩn bị thu hoạch đàn cá mú được nuôi ở 2.000m2 ao cá từ hỗ trợ của dự án. Lứa cá với trọng lượng khoảng 1,35 tấn dự kiến mang về cho gia đình bốn người của ông hơn 209 triệu đồng (9.000 đô la).
“Chúng tôi thường thu hoạch cá mú trước Tết. Bên cạnh tiền bán cá, chúng tôi cũng nuôi trồng thêm tôm, cua trong ao. Tiền bán tôm, cua thu về khoảng 60 triệu đồng (2.600 đô la),” ông Nhân chia sẻ.
Tổng số tiền gia đình ông Nhân thu về khoảng 269 triệu đồng (11.700 đô la), đây sẽ là số tiền lớn nhất mà ông từng kiếm được, do ông thường chỉ bán được khoảng 100 triệu đồng (4.350 đô la) mỗi năm vì cá mú có chất lượng thấp. Gia đình ông Nhân đã làm nghề nuôi cá mú được 8 năm, đến tháng 8 năm 2019, ông tham gia vào mô hình nuôi tôm-cá kết hợp của một hợp phần thuộc Dự án được hỗ trợ bởi Quỹ Khí hậu Xanh (GCF). Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” do GCF, chính phủ Việt Nam và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ.
Theo đó, mỗi hộ gia đình như ông Nhân được cung cấp miễn phí 1.000 con cá mú giống chất lượng cao, đồng thời được tập huấn kỹ thuật nuôi cá.
Trước đó, Ban Quản lý dự án tỉnh Nam Định đã đấu thầu để chọn ra nhà thầu uy tín và có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi chất lượng cao để cung cấp số lượng cá giống nói trên. Qua kiểm tra, số lượng và chất lượng cá giống đều đạt chuẩn và đảm bảo điều kiện để nuôi trồng.
Phát triển sinh kế
Gia đình ông Nhân sống ở xã Nghĩa Hải, một xã ven biển thuộc huyện Nghĩa Hưng ở phía bắc tỉnh Nam Định. Xã Nghĩa Hải có khoảng 80 ha ao nuôi cá tại khu vực Cồn Xanh với hơn 70 hộ gia đình tham gia.
Đặc biệt, 11 hộ dân bao gồm gia đình ông Nhân đã được dự án hỗ trợ mô hình nuôi kết hợp tôm-cá trên 2,2ha diện tích nuôi trồng vào tháng 8 năm 2019. Tất cả đều cảm thấy phấn khởi khi nhận được những con giống chất lượng cao và được tập huấn đào tạo kỹ thuật nuôi cá nhằm phát triển sinh kế.
“Từ 1.000 con cá mú giống nhận được của dự án, chúng tôi mua thêm 1.000 con giống nữa. Bên cạnh đó, chúng tôi còn kết hợp nuôi tôm trong ao,” anh Vũ Văn Đệ, 38 tuổi, chủ ao cá rộng 1,6 ha cho biết. Tuần trước, anh đã kiếm được hơn 200 triệu đồng (8.700 đô la) sau khi thu hoạch và bán cá, đây cũng là mức thu nhập cao nhất trong các vụ nuôi cá mú từ khi anh bắt đầu làm nghề này đến giờ.
“Lý do được như vậy là bởi chất lượng cá giống được dự án cung cấp tốt hơn nhiều so với các loại cá giống khác bán ngoài thị trường,” anh Đệ chia sẻ. “Chúng tôi để tiền này tiếp tục đầu tư kinh doanh, ngoài ra dành một phần để mua xe máy mới.”
Với ông Đinh Văn Thái, 60 tuổi, sau khi được dự án cung cấp 1.000 cá giống, ông chia sẻ: “Chưa bao giờ tôi thấy có loại cá giống nào tốt như thế này. Đàn cá mú lớn rất nhanh và cũng khỏe hơn so với các giống cá mú thường khác và ít khi bị bệnh.”
Ông Thái cũng là chủ sở hữu của một ao nuôi cá mú và kết hợp nuôi một lượng tôm hợp lý. Dự kiến tiền bán tôm cá sẽ mang về hàng trăm triệu đồng cho gia đình ông vốn đã gắn bó với nghề buôn cá hàng chục năm nay.
Trên thực tế, việc nuôi kết hợp cá mú và tôm trong một ao được coi là một vòng kinh tế “tuần hoàn” thu nhỏ, trong đó tôm sẽ giúp xử lý tất cả chất thải từ cá mú. “Đây là một vòng tròn sinh thái, nếu không nuôi tôm chung với cá mú thì nguồn nước sẽ dễ bị ô nhiễm,” ông Nhân nói.
Theo Ban quản lý dự án tỉnh Nam Định, mô hình nuôi trồng kết hợp này cho thấy hiệu quả rõ rệt về chất lượng lẫn sản lượng của cả tôm và cá. Thành công từ mô hình này đã mang đến nhiều lợi ích cho người dân xã Nghĩa Hải với thu nhập cao hơn khoảng 20% đến từ cùng một diện tích ao nuôi cá.
Trước đây, những người hưởng lợi từ dự án này thường đánh bắt cá ở những khu vực rừng ngập mặn. Tuy nhiên, sau khi bắt đầu mở rộng và phục hồi diện tích rừng ngập mặn trong khuôn khổ dự án GCF, sinh kế của những hộ gia đình này đã bị ảnh hưởng vì họ không được phép đánh bắt cá trong khu vực đó nữa. Theo đó, dự án đã hỗ trợ sinh kế cho người dân qua việc cung cấp các giống cá mú.
Phục hồi rừng ngập mặn
Trong các tác động của biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng cao và bão lũ là mối đe dọa lớn nhất với các khu dân cư đang sinh sống dọc bờ biển. Tại Nam Định, Nghĩa Hưng là huyện ven biển thường xuyên phải trực tiếp chịu ảnh hưởng nặng nề của các cơn bão từ biển. Hơn một tháng trước, bão đến đã phá hủy một phần lớn đất bờ biển, dù ở đây đã được trồng một hàng cây phi lao có tác dụng bảo vệ đất khỏi bị xói mòn.
Nhiều cây cối đã bị lũ cuốn trôi, cùng những vùng cát bị sụt lở xuống biển, những cơn sóng mạnh tiếp tục xâm lấn đất liền và đánh sập nhà cửa, ruộng vườn cùng sinh kế của những người ngư dân. Theo các tin tức đã đưa, cơn bão số 7 vừa qua kết hợp với triều cường đã gây thiệt hại cho hai đoạn kè biển ở huyện Hải Hậu, với tổng diện tích sạt lở là 278 m2. Đoạn kè biển này nằm trơ trọi và không có rừng ngập mặn bao quanh.
Do đó, việc bảo tồn và tăng cường phục hồi rừng ngập mặn cần phải được ưu tiên để giảm thiểu ảnh hưởng của bão lớn cùng vấn đề nước biển dâng cao nhằm bảo vệ vùng ven biển.
Trong khuôn khổ dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam”, tại Nam Định, công tác phục hồi rừng ngập mặn đã được triển khai từ năm 2018 với 112,69 ha được trồng bổ sung và 85,08 ha được trồng mới. Điều này đã đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cộng đồng ven biển khỏi thiên tai và tác động của biến đổi khí hậu.
Anh Nguyễn Đức Thủy, nông dân, ở xã Nam Điền, huyện Nghĩa Hưng dành phần lớn thời gian thực hiện trông coi rừng ngập mặn gần nhà và rất tự hào với công việc này. “Rừng ngập mặn có thể giúp mọi người chắn bão và bảo vệ đê điều,” anh Thủy chia sẻ. Cũng như nhiều người tham gia trồng rừng khác, hàng ngày, anh thường dậy rất sớm để chăm nom rừng cây khi thủy triền rút xuống. Mỗi năm khi mùa mưa đến, người trồng rừng phải rà soát lại diện tích trồng, loại bỏ những cây kém chất lượng và nuôi trồng bổ sung những cây mới từ một đến hai lần.
Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Chủ tịch xã Nghĩa Hải cho biết: “Rừng ngập mặn rất hữu ích, vừa bảo vệ đê biển, vừa giúp giảm nhẹ ảnh hưởng của bão lũ. Người dân địa phương đang trông coi rừng rất tốt và nhờ có những khóa tập huấn, mọi người đã nâng cao hơn ý thức bảo vệ rừng.”
Những khu rừng ngập mặn tạo nên một vùng đệm quan trọng ngăn cách biển với cộng đồng dân cư nơi đây. Dự án GCF hỗ trợ trồng và tái tạo khoảng 4.000 ha rừng ngập mặn ở các vùng ven biển dễ bị tổn thương bởi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, gồm các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Cà Mau. Nhờ có dự án, người dân Nam Định có thể đảm bảo phát triển sinh kế bền vững, đồng thời tạo nên môi trường thích hợp để phát triển rừng ngập mặn, bảo vệ người dân khỏi tác động từ thiên tai. Đây là mối quan hệ hỗ trợ lẫn nhau giữa người dân ven biển và rừng ngập mặn.
Có thể nói, thành công lớn nhất trong các hoạt động phòng chống thiên tai ở vùng ven biển chính là sự thay đổi nhận thức của cộng đồng. Người dân hiện giờ đã không còn bị động khi thiên tai xảy ra mà đã chủ động hơn để ứng phó kịp thời.
Tin mới
- Lồng ghép nội dung Phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội tại địa phương (07/04/2022)
- Thúc đẩy mạng lưới doanh nghiệp tiên phong và chủ động trong phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và dịch bệnh (15/10/2021)
- Lễ phát động cuộc thi “Tìm kiếm sáng tạo truyền thông về giảm thiểu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu” (12/10/2021)