Tin tức về dự án
Đăng trên Báo Đầu Tư ngày 16/11/2020
Qua những trận thiên tai nặng nề liên tiếp xảy ra ở miền Trung, người dân ở khu vực Nam Trung Bộ tại xã Bình Thuận, tỉnh Quảng Ngãi đang phải vật lộn để kiếm sống. Tuy nhiên, cuộc sống của người dân nơi đây đã bắt đầu phát triển hơn nhờ một sáng kiến trồng rừng ngập mặn - vừa cản gió cản bão cho những ngôi làng, vừa phát triển du lịch sinh thái.
Ngồi thảnh thơi trên chiếc thuyền tam bản bằng gỗ, anh Phạm Duy Nghĩa, 43 tuổi, say sưa ngắm nhìn khu rừng ngập mặn phía trước, lấp ló dưới ánh nắng là những tán lá xanh mướt điểm xuyết cùng từng chùm hoa trắng li ti.
Xung quanh là những cánh cò trắng đậu trên những tán cây được trồng ngay hàng thẳng lối ở mặt đầm Bàu Cá Cái rộng mênh mang tại ấp Thuận Phước, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Khung cảnh nơi đây đẹp tựa như một bức tranh màu nước được vẽ nên bởi con người và thiên nhiên.
Khoảng 10 năm về trước, anh Nghĩa và người dân địa phương thường đánh bắt cá ở đây, công việc này mang về cho họ mức thu nhập bình quân khoảng 700.000-800.000 đồng/hộ. Tuy nhiên, nguồn nước ngày càng trở nên ô nhiễm, dẫn đến việc không còn cá để đánh bắt, đời sống của người dân trở nên bấp bênh. Nhiều người đã rời đi đến những thành phố lớn để kiếm sống. Hiện tại, trong làng đa số là người già và trẻ em, cùng một số phụ nữ vẫn duy trì sinh kế bằng việc chăn bò và trồng lúa.
“Nhưng giờ đây, cuộc sống của chúng tôi đã thay đổi, ngày càng có nhiều người bắt đầu quay trở lại làng để sinh sống”, anh Nghĩa nói.
Năm 2014, chính quyền tỉnh bắt đầu triển khai trồng rừng ngập mặn tại đầm Bàu Cá Cái, nơi tiếp giáp trực tiếp với biển. Tuy nhiên, phải đến năm 2016, khi có dự án trồng rừng ngập mặn thực hiện nhằm mở rộng đề án trước đó, cuộc sống của những người dân như anh Nghĩa mới bắt đầu có chuyển biến tích cực.
“Tôi cùng nhiều người dân địa phương đã tham gia vào dự án và bắt đầu trồng cây trong đầm. Nguồn nước dần được cải thiện khỏi tình trạng ô nhiễm, hiện giờ dòng nước rất trong, thậm chí còn có thể nhìn thấy cá. Nơi này giờ đã trở thành một khu rừng ngập mặn,” anh Nghĩa khua mái chèo thuyền tam bản và kể lại.
Lá chắn xanh chống bão
Những trận bão gần đây xảy ra tại Quảng Ngãi là một trong những trận bão có cường độ mạnh nhất, gây nhiều thiệt hại nặng nề đến sinh kế của hàng trăm nghìn hộ gia đình. Tuy nhiên, đối với những người nông dân như bà Nguyễn Thị Hải, 53 tuổi, sinh sống tại xã Bình Thuận, thiệt hại hầu như không đáng kể khi nhà cửa cùng cây trồng của gia đình bà vẫn còn nguyên sau cơn bão.
“Rừng ngập mặn thật sự hữu ích và có thể bảo vệ nhà cửa của dân làng chúng tôi,” bà chia sẻ. “Nhà tôi có một vườn cây đu đủ, dễ bị dập hỏng bởi gió mạnh. Nhưng sau trận bão vừa rồi chỉ có một vài cây bị đổ thôi.”
Phó giáo sư Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ, cho biết khu rừng ngập mặn này “không chỉ duy trì sinh kế cho người dân địa phương, mà còn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh bão và giảm đi đáng kể những tác động từ thiên tai.”
Ông Tuấn nhấn mạnh thêm, mô hình này cần được mở rộng thực hiện trên nhiều địa phương khác ở Việt Nam.
Dự án trồng rừng ngập mặn tại xã Bình Thuận này là một hợp phần của dự án lớn nhằm tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam, do Quỹ Khí hậu Xanh (GCF), Chính phủ Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) thực hiện.
Các khu vực trồng rừng ngập mặn đã tạo ra một vùng đệm quan trọng chắn giữa biển và cộng đồng sinh sống ven biển. Quỹ GCF đang hỗ trợ trồng và phục hồi khoảng 4.000 ha rừng ngập mặn ở các vùng ven biển dễ bị ảnh hưởng bởi tác động của biến đổi khí hậu, gồm các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Cà Mau.
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho biết: “Rừng ven biển, đặc biệt là rừng ngập mặn, đóng vai trò thiết yếu trong việc bảo vệ cuộc sống của những cộng đồng dễ bị tổn thương trước triều cường do tác động từ thiên tai và biến đổi khí hậu.”
Trong những năm gần đây, Chính phủ chú trọng ban hành hàng loạt chính sách bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn trước thực trạng nhức nhối về suy giảm rừng ngập mặn do xói mòn và bồi tụ đất. Rừng bị mất đi cả về số lượng và chất lượng bởi những yếu tố tự nhiên như sóng, gió, bão cùng tác nhân đến từ con người như xây dựng, khai thác và nuôi trồng thủy sản.
“Nhân tố con người là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng suy giảm rừng ngập mặn, bao gồm việc khai thác và xây dựng trái phép. Đây là lý do UNDP hoạt động tích cực trong việc trồng và tái tạo rừng ngập mặn, khuyến khích cộng đồng địa phương phát triển sinh kế bền vững và cùng chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch trồng và bảo vệ rừng,” bà Wiesen chia sẻ.
Rừng ngập mặn là một hệ sinh thái đặc trưng của vùng ven biển Việt Nam và là hệ sinh thái chuyển tiếp giữa môi trường nước ngọt và nước biển. Rừng đóng góp rất lớn cho môi trường của địa phương, đặc biệt là giúp bảo vệ đê điều, chống xói mòn, ổn định đất đai, bảo vệ ven bờ sông và giảm bớt ảnh hưởng từ bão, lốc xoáy cùng nước biển dâng.
Bên cạnh đó, rừng ngập mặn còn mang đến nhiều lợi ích như lấy gỗ, nguồn lợi thủy sản, du lịch sinh thái, màng lọc sinh học tự nhiên, đặc biệt là hình thành lá chắn bảo vệ đê biển, giữ đất, tích tụ và hấp thu CO2.
Sinh kế mới cho người dân
Cùng với tác dụng chống bão, rừng ngập mặn còn mang đến cho người dân nhiều lợi ích khác, một trong số đó là trở thành điểm du lịch sinh thái thu hút nhiều du khách đến tham quan.
Trước năm 2019, bà Nguyễn Thị Hải sinh sống bằng nghề đánh bắt cá trên biển. Tuy nhiên, giờ đây gia đình bà chuyển sang làm công việc chở khách du lịch bằng thuyền tam bản tham quan đầm phá. Nhà bà Hải hiện đang sở hữu ba chiếc thuyền.
Chồng bà, ông Nguyễn Khương, 54 tuổi, từng làm việc nhiều năm tại Cảng quốc tế Germadept, tỉnh Quảng Ngãi, nhưng giờ ông cũng làm lái thuyền kiêm hướng dẫn viên du lịch.
“Trung bình, gia đình tôi có thể kiếm được khoảng 6 triệu đồng (260 đô la) một tháng nhờ công việc này,” ông Khương chia sẻ.
Giống như nhiều người dân địa phương khác, anh Phạm Duy Sử, 49 tuổi, cũng trở thành một hướng dẫn viên du lịch. Năm ngoái, anh Sử đang làm việc tại khu liên hợp sản xuất gang thép của tập đoàn Hòa Phát ở huyện Bình Sơn. Nhưng sau đó anh cũng nghỉ việc và bắt đầu làm nghề du lịch tại đầm phá.
“Tôi rất vui với công việc chèo thuyền hiện tại,” anh Sử cười rạng rỡ. “Tôi có thể kiếm được khoảng 500.000 đồng (21,70 đô la) một ngày, số tiền này gấp ba lần mức lương mà tôi nhận được ở công việc trước đây.”
Theo lãnh đạo xã, kể từ khi rừng ngập mặn phát triển, ban lãnh đạo xã Bình Thuận đã thành lập 3 nhóm hướng dẫn viên du lịch cùng nhiều thuyền tam bản tự chèo tay thay vì sử dụng động cơ nhằm bảo vệ môi trường.
Dự án cũng hỗ trợ 3.000 con vịt biển giống cho 10 hộ dân trong xã cùng thuốc men, thức ăn nuôi vịt. 15 hộ gia đình khác cũng được hỗ trợ tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ rừng, 40 hộ đảm nhiệm việc trồng và chăm sóc rừng ngập mặn.
Anh Phạm Duy Nghĩa và nhiều người dân khác đang ấp ủ dự định nuôi cua ở đầm phá để kiếm thêm thu nhập. Anh Nghĩa cho biết, một lượng 20.000 con cua giống trị giá khoảng 2 triệu đồng (87 đô la) có thể mang về lợi nhuận 15-20 triệu đồng (650-870 đô la) chỉ sau ba tháng, nếu công việc kinh doanh thuận lợi.
“Rất rõ ràng, rừng ngập mặn đã thay đổi cuộc sống của chúng tôi”, anh Nghĩa nói. “Chúng tôi hy vọng dự án có thể mở rộng thêm diện tích trồng rừng ngập mặn và biến nơi đây thành khu rừng lớn hơn để có thể đón thêm nhiều khách du lịch.”
Cách nhà anh Nghĩa không xa là một khu vực trồng rừng ngập mặn mới, các cây trồng đang dần lớn lên từ mặt nước. “Trong vòng hai năm tới, những cây mới này sẽ mọc thành rừng, đồng nghĩa với việc người dân chúng tôi sẽ có cuộc sống tốt hơn. Trồng rừng ngập mặn chính là gieo hạt trồng trái ngọt cho tương lai sau này,” anh Nghĩa nói.
Với gia đình bà Hải và ông Khương, họ cho biết con gái mình sắp tới sẽ tốt nghiệp chuyên ngành du lịch tại trường đại học ở Đà Nẵng.
“Chúng tôi hy vọng nơi đây sẽ trở thành một điểm du lịch lớn, con gái tôi có thể về nhà và trở thành một hướng dẫn viên du lịch tại đầm,” ông Khương chia sẻ.
Tin mới
- Lồng ghép nội dung Phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội tại địa phương (07/04/2022)
- Thúc đẩy mạng lưới doanh nghiệp tiên phong và chủ động trong phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và dịch bệnh (15/10/2021)
- Lễ phát động cuộc thi “Tìm kiếm sáng tạo truyền thông về giảm thiểu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu” (12/10/2021)