Tin nổi bật Tin nổi bật

Người dân Quảng Ngãi tham gia lập kế hoạch thích ứng biến đổi khí hậu
Ngày đăng 03/01/2018 | 16:56

Ảnh: UNDP Việt Nam/Trina Loken

Quảng Ngãi, 1/3/2018 - 15 cán bộ địa phương đã tham dự khóa Tập huấn Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng (CBDRM). Khóa tập huấn kéo dài 7 ngày do UNDP, Tổng cục Phòng chống Thiên tai (VNDMA) và CARE International tại Việt Nam phối hợp tổ chức. Các khóa Tập huấn CBDRM là một nội dung quan trọng của Dự án do Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) tài trợ “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam”

Các khóa tập huấn CBDRM trang bị cho các cán bộ xã kỹ năng đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương và các rủi ro thiên tai tại địa phương thông qua việc huy động người dân tham gia cung cấp các kiến thức và kinh nghiệm cộng đồng thông qua các cuộc điều tra và đánh giá cơ sở. Các học viên có cơ hội tìm hiểu về cách thức thực hiện hiệu quả các hoạt động thích ứng biến đổi khí hậu liên quan đến xây dựng nhà ở chống chịu bão lụt, sinh kế và phục hồi rừng ngập mặn.

“Là một cán bộ xã, tôi có thể giúp phổ biến thông tin tôi đã học được qua khóa tập huấn này tại các cuộc họp xã” chị Nguyễn Thị Thu Vy, một cán bộ của xã Bình Thanh chia sẻ. Chị Vy cảm thấy tự tin rằng qua khóa tập huấn chị đã được trang bị các kiến ​​thức cần thiết về quản lý rừng ngập mặn, nhà ở chống chịu bão lụt và lồng ghép giới, nhờ đó chị có thể chia sẻ và phổ biến với các địa phương khác. Thông qua các kiến ​​thức tôi có được từ khóa tập huấn này, tôi còn có thể phổ biến thêm cho xã về các mục tiêu của dự án và thực hiện nâng cao nhận thức liên quan đến nhu cầu bảo vệ rừng ngập mặn và cách lựa chọn các giải pháp nhà ở chống chịu bão lụt” Chị Vy chia sẻ thêm.

Liên quan đến lồng ghép giới, tập huấn viên Hội Chữ thập đỏ, chị Nguyễn Thu Lê Tuyền, chia sẻ với UNDP rằng chị luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng của phụ nữ trong việc thu thập dữ liệu về kinh nghiệm phòng và chống thiên tai. Chị Tuyên cũng nói rõ “Tôi hy vọng sau khi tập huấn tôi có thể hỗ trợ và nâng cao nhận thức cho người dân địa phương”. Khóa tập huấn cho phép các cán bộ địa phương đánh giá và giám sát tình trạng dễ bị tổn thương của cộng đồng và xác định các rủi ro khí hậu tại địa phương. Dựa trên những thông tin do cộng đồng cung cấp, chính quyền địa phương có thể cung cấp các giải pháp để giảm thiểu rủi ro thiên tai”. Chị sẽ tiếp tục hỗ trợ để đảm bảo các nội dung tiếp tục được cập nhật trong các khóa tập huấn đào tạo tiếp theo trong tương lai nhằm thu hút sự tham gia của các cán bộ xã.

Việt Nam không xa lạ gì với QLTT-DVCĐ (CBDRM) - trên thực tế, Đề án 1002 QLTT-DVCĐ của Chính phủ đã được ban hành từ năm 2009 và Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ban hành một Chương trình quốc gia cho nội dung này. Đề án 1002 có hai phần: (1) Tăng cường năng lực quản lý và triển khai QLTT-DVCĐ cho các cán bộ địa phương ở tất cả các cấp và (2) Cải thiện công tác truyền thông và đào tạo để nâng cao năng lực cộng đồng trong quản lý rủi ro thiên tai. Các khóa đào tạo QLTT-DVCĐ là một phần của dự án GCF có lồng ghép các kinh nghiệm quản lý rừng ngập mặn và xây dựng nhà ở chống chịu bão lụt cũng như thúc đẩy lồng ghép giới như là các yếu tố cần thiết và quan trọng quyết định thành công và bền vững của hoạt động này.

Đến tháng 5 năm 2018, các khóa tập huấn QLTT-DVCĐ sẽ được tổ chức tại 16 xã của tỉnh Quảng Ngãi. Quảng Ngãi là tỉnh được lựa chọn để thí điểm bộ tài liệu tập huấn qua đó bộ công cụ này có thể được hoàn thiện và tập huấn nhân rộng ở tất cả 28 tỉnh ven biển. Các thông tin được thu thập tại địa phương về các rủi ro chính sẽ là các nguồn thông tin đầu vào quý giá phục vụ việc lập kế hoạch và ra quyết định về ngân sách trong tương lai của Chính phủ.