Câu chuyện dự án Câu chuyện dự án

“Cuối cùng, chúng tôi có một ngôi nhà có khả năng chống chịu thiên tai để bảo vệ cuộc sống và tài sản của chúng tôi”
Ngày đăng 03/01/2019 | 18:06

Bà Nguyễn Thị Mua đang ở trong ngôi nhà chống chịu bão lụt của mình. Bài và ảnh: UNDP Việt Nam / Phan Hương Giang

“Lâu nay chúng tôi đã phải chịu rất nhiều trận bão và ngập lụt do nước biển dâng cao, vì vậy chúng tôi đã mơ ước về một ngôi nhà an toàn, bà Nguyễn Thị Mua, 50 tuổi, đã nói như vậy. “Các bác không thể tưởng tượng trong trận lụt lịch sử năm 1999, nước đã tràn qua cửa sổ nhà của chúng tôi. Chúng tôi đã phải vay nợ nhiều lần để sửa chữa lại nhà cửa sau những cơn bão như vậy diễn ra hàng năm”.

Bà Mua, chồng và bốn người con hiện đang sống tại xã Vĩnh Hải, tỉnh Thừa Thiên Huế và thu nhập của cả nhà phụ thuộc vào mấy sào ruộng. Tuy nhiên, trong những năm vừa qua, tình trạng nhiễm mặn đã làm giảm đáng kể năng suất cây trồng, nên việc cày cấy rơi vào tình trạng bấp bênh.

Nếu được hàng xóm thuê thu hoạch lúa, đào khoai tây hoặc làm thợ xây, gia đình bà Mua có thể kiếm được 3 triệu đồng/tháng (khoảng 129 đô la Mỹ). Tuy nhiên “Do không có sức khỏe, có lúc vài tháng chúng tôi không thể làm việc và kiếm được ra đồng nào. Chồng tôi có vấn đề về sức khỏe tâm thần còn tôi từng bị bệnh tim” Bà Mua chia sẻ.

Nhà của bà Mua nằm gần sát bờ biển - chỉ cách biển có 300 mét. Chính vì vậy nhà bà sẽ là nhà đầu tiên trong cộng đồng bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng và bão. Thật không may, gia đình bà lại không thể xây dựng được một ngôi nhà đủ chắc chắn để chống chịu lại các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. “Với số tiền ít ỏi chúng tôi kiếm được, chúng tôi phải chi tiêu cho thực phẩm, học hành của con cái và những thứ khác. Hàng đêm chúng tôi vẫn mơ ước về một ngôi nhà an toàn”. Bà nói thêm.

Thừa Thiên Huế là 1 tỉnh ven biển Việt Nam và thường xuyên bị ảnh hưởng bởi bão và lụt. Chỉ riêng năm 2017, có 5 trận bão và hai trận lũ lớn đã đổ bộ và ảnh hưởng đến Tỉnh. Các thiên tai này dự kiến ngày càng gia tăng về tần suất và độ lớn trong những thập kỷ tới.

Hiện nay, các ngôi nhà ở địa phương rất khó chống chịu được các đợt thiên tai. Theo báo cáo của UBND Tỉnh, chỉ riêng trong năm 2017, có 79.000 ngôi nhà đã bị ngập và hơn 1.000 người bị ảnh hưởng và thiệt hại do bão.

“Khu vực tôi ở thường xuyên bị ngập và chúng tôi thường chuyển đến ở nhờ một trong những nhà hàng xóm trong vòng 2 hoặc 3 ngày vì nhà họ ở chỗ cao hơn”, Bà Mua nói khi chỉ tay về phía nhà hàng xóm.

Năm 2018, ngôi nhà mới của bà là một trong số 85 ngôi nhà chống chịu thiên tai được xây dựng trong khuôn khổ dự án do Chương trình phát triển của Liên hợp quốc và Quỹ khí hậu xanh tài trợ - Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam”.

Thông qua việc xây dựng các ngôi nhà ở chống chịu thiên tai, Dự án này sẽ mang lại lợi ích cho các hộ nghèo, các hộ có chủ hộ là nữ và các gia đình có người khuyết tật. Những ngôi nhà mới này dự kiến sẽ chống chịu được thiên tai và các sự kiện thời tiết khắc nghiệt khác.

Ngôi nhà hai phòng mới của Bà Mua được xây dựng dựa trên một thiết kế do gia đình chọn. Các tính năng mới của ngôi nhà bao gồm một gác lửng để bảo vệ mọi người khi nhà bị ngập, mái nhà được gia cố và sử dụng xi măng mác cao.

“Từ khi có ngôi nhà chống chịu bão lụt này, chúng tôi cảm thấy an toàn hơn nhiều. Bây giờ, nếu có lũ lụt chúng tôi có thể chuyển đồ đạc, gạo và sách vở trẻ em lên tầng lửng” Bà Mua mỉm cười. “Nhờ có sự hỗ trợ tuyệt vời của Dự án, của chính quyền xã và hàng xóm, cuối cùng chúng tôi cũng có được ngôi nhà chống chịu bão lụt bảo vệ cuộc sống và tài sản của chúng tôi. Chúng tôi đã mất ngủ nhiều đêm vì quá hạnh phúc”.