Câu chuyện dự án
Với đường bờ biển dài 3.260 km, bên cạnh việc được thiên nhiên ban tặng cho nguồn tài nguyên biển dồi dào để phát triển ngành kinh tế biển, hàng năm, vùng ven biển Việt Nam thường xuyên phải chịu ảnh hưởng nặng nề đến từ thiên tai như mưa bão, lũ lụt, xâm nhập mặn.
Tại Quảng Bình, một trong những địa phương chịu thiệt hại nghiêm trọng nhất khi thiên tai xảy ra, trong năm 2020 đã trải qua nhiều cơn bão và hai trận lũ lịch sử với ước tính thiệt hại khoảng gần 3.7 tỷ đồng và hơn 100.000 ngôi nhà bị ngập. Đặc biệt ở “rốn lũ” Lệ Thủy, những người dân nơi đây đã quá quen thuộc với cảnh “sống chung với lũ”. Mỗi mùa bão về, đối với những hộ nghèo ven biển, việc có được căn nhà kiên cố, vững chắc chống chịu được gió mưa là một mơ ước to lớn, để không còn phải lo lắng nhà cửa cùng hoa màu, của cải hư hại theo dòng lũ cuốn.
Bên ngôi nhà tránh lũ, bà Lê Thị Diệu ở thôn Tân Thịnh, xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy chỉ vào ngấn nước nằm ngang cao hơn 2,5 m trên tường nhà mà nước lũ năm 2020 để lại.
“Tôi năm nay 74 tuổi, ở một mình do con cái lập gia đình ở xa. Ngôi nhà cũ đang bị hư hỏng nặng. Năm 2020, được chính quyền địa phương và dự án hỗ trợ làm nhà chống bão, lụt nên yên tâm hơn nhiều. Đặc biệt, nhà vừa làm xong là lũ lớn ập đến nên rất may có nơi trú ẩn vững chãi”.
Để giúp đỡ những hộ gia đình nghèo, yếu thế, thời gian qua, dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” thuộc Quỹ Khí hậu xanh, Chính phủ Việt Nam và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã hỗ trợ người dân các tỉnh ven biển xây nhà an toàn chống chịu bão lụt để vượt qua thời tiết khắc nghiệt hàng năm.
Ngôi nhà tránh bão của bà Diệu được xây dựng hai tầng, rộng chừng 25 m2. Sàn tầng một đổ bê tông kiên cố, nền lát đá hoa, có cầu thang bằng sắt để lên tầng hai. Tầng hai của ngôi nhà được lợp tôn, có cửa thoát hiểm để đề phòng các trường hợp bất trắc.
Trong đợt lũ lịch sử tháng 10 năm 2020, tầng hai ngôi nhà an toàn của bà Diệu là nơi trú ẩn cho nhiều người trong xóm tránh lũ. Bà Diệu cho biết: “Trong lúc thiên tai, tôi đã nấu nướng cơm nước giúp bà con, trong đó có nhiều trẻ em trên ngôi nhà tránh lũ này”.
Trong 3 năm gần đây, Dự án GCF đã hỗ trợ tỉnh Quảng Bình xây dựng 897 nhà an toàn chống chịu bão, lụt. Những mô hình nhà an toàn này đã được chứng minh hiệu quả qua mùa lũ lịch sử trong năm 2020 vừa qua, bảo đảm an toàn cho những người dân như bà Diệu. Theo ông Đinh Khánh Hậu, Phó Giám đốc BQL Dự án GCF tỉnh Quảng Bình, nhà an toàn không chỉ là nơi tránh trú của các thành viên trong gia đình mà còn được xem là những điểm sơ tán tập trung quy mô nhỏ, giúp đỡ những nhà hàng xóm ở xung quanh.
Bà Trần Thị Thiết, hàng xóm của bà Diệu cho biết, do nước lũ dâng lên nhanh, ngôi nhà cấp bốn của bà bị chìm sâu. Vì vậy, cả sáu người trong nhà phải sơ tán sang nhà bà Diệu để trú ẩn đến bốn ngày sau khi nước rút mới về lại nhà của mình.
“Đầu năm 2021, nghe các anh trên xã nói tui được hỗ trợ nhà chòi tránh lũ mà mừng vui không ngủ được”, theo chia sẻ của bà Lê Thị Lần, xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy. Bà Lần là hộ neo đơn, trước khi có nhà an toàn, do cuộc sống gặp nhiều khó khăn nên mỗi mùa mưa to gió lớn, bà đều phải vất vả đi chạy lũ.
Với bà Lần, ước mơ xây dựng được ngôi nhà tránh lũ để không còn cảnh lo lắng tìm chỗ trú nạn trong mùa mưa bão đã ấp ủ từ lâu. Và cuối cùng, từ nay bà đã có thể yên tâm mỗi khi bão về: “Sau 4 tháng thi công, ngôi nhà đã hoàn thành. Mùa mưa lũ này, tôi đã an tâm sống chung với lũ”.
Việc hỗ trợ xây dựng nhà tránh bão là việc làm ý nghĩa để trợ giúp những hộ nghèo, gia đình yếu thế, các đối tượng dễ bị tổn thương ở vùng ven biển tỉnh Quảng Bình. Hiện nay, Dự án vẫn đang xây dựng và bàn giao thêm nhiều ngôi nhà đến tay người dân, góp phần giúp bà con thêm an tâm trong mùa mưa lũ và nỗ lực vươn lên xóa đói, giảm nghèo.
Nguồn: Theo Báo Đại Đoàn Kết