Theo Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), biến đổi khí hậu là sự thay đổi khí hậu trong một thời gian dài do tác động của điều kiện tự nhiên và các hoạt động của con người như phá rừng, các ngành công nghiệp gây ô nhiễm và giao thông vận tải (UNFCC 2006). Hiện nay, biến đổi khí hậu được chứng minh rõ ràng là sự nóng lên toàn cầu, mực nước biển dâng cao và gia tăng các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt (UNFCCC 2006).

Bằng chứng đã chứng minh rằng thiên tai và các sự kiện cực đoan đang gia tăng ở nhiều nơi trên Trái đất do tính khó dự đoán của thời tiết và khí hậu. Theo Hội đồng liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), sự nóng lên toàn cầu cũng là nguyên nhân cơ bản khiến cho mực nước biển dâng do tình trạng tan chảy của băng, sông băng và vùng phủ tuyết khiến nhiều khu vực ở vùng trũng bị ngập vĩnh viễn (IPCC 2013).

Biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay là do các hoạt động của con người thải ra quá nhiều phát thải khí nhà kính (GHG) vào khí quyển (IPCC 2013). Các hoạt động của con người có ảnh hưởng lớn đến hệ thống khí hậu, đặc biệt là từ đầu kỷ nguyên công nghiệp (khoảng năm 1750). Theo IPCC, sự gia tăng GHG từ những năm 1950 chủ yếu bắt nguồn từ hoạt động của con người.

Trong báo cáo liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu năm 2014, các tác động của biến đổi khí hậu đã xảy ra ở tất cả các châu lục và các đại dương (IPCC 2014). Rủi ro từ biến đổi khí hậu tăng lên đối với những người dễ bị tổn thương và thiếu chuẩn bị bởi những lý do khác. Rủi ro cũng tăng lên khi họ sinh sống ở những khu vực có nhiều nguy cơ xảy ra các sự kiện thiên tai cực đoan.

Khả năng chống chịu của cộng đồng có thể được định nghĩa là khả năng của một cộng đồng trở lại trạng thái bình thường sau các sự kiện bất lợi, chẳng hạn như các thảm họa kinh tế, xã hội hoặc môi trường (Norman 2012). Ngoài ra, khả năng chống chịu của cộng đồng còn có thể là các loại tài sản và tài nguyên có thể có để giúp cộng đồng đó phục hồi và phát triển sau khi trải qua các sự kiện thiên tai nghiêm trọng (Norman 2012). Các cộng đồng có khả năng chống chịu sẽ có thể giảm thiểu tối đa bất kỳ thảm họa nào và quay trở lại cuộc sống bình thường một cách dễ dàng và nhanh chóng nhất (Sharifi 2016). Bằng việc thực hiện một kế hoạch chống chịu của cộng đồng, người dân có thể cùng nhau vượt qua mọi thảm họa, đồng thời tái xây dựng lại thể chất và kinh tế (Sharifi 2016).

Các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) được gọi là các Mục tiêu Toàn cầu, là một tập hợp của các mục tiêu phổ quát được theo đuổi bởi 170 quốc gia nhằm giải quyết các vấn đề phát triển quan trọng nhất của xã hội. Hợp tác chặt chẽ với các Chính phủ, UNDP thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững SDGs nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo rằng mọi trẻ em và người lớn đều có khả năng sống một cuộc sống vui vẻ và thịnh vượng (Mục tiêu Phát triển bền vững của UNDP năm 2018).

Theo kế hoạch thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững đã được phê duyệt của Việt Nam “Mục tiêu tổng quát của Việt Nam là duy trì tăng trưởng kinh tế cùng với việc đảm bảo tiến bộ xã hội và công bằng cũng như bảo vệ môi trường và hệ sinh thái, quản lý và sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; đảm bảo tất cả các công dân đều phát huy hết tiềm năng của mình, tham gia vào quá trình phát triển và hưởng lợi một cách công bằng từ những kết quả của phát triển; đồng thời xây dựng một xã hội Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, hòa nhập, dân chủ, văn minh và bền vững (Kế hoạch Hành động Quốc gia nhằm thực hiện Chương trình Phát triển Bền vững 2030)”.

Mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030 được thể hiện trong dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam”.

Dự án tập trung vào các lĩnh vực chính và đóng góp vào các mục tiêu sau:


Mục tiêu 3: Đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và thúc đẩy phúc lợi cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi

Mục tiêu 5: Đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái

Mục tiêu 9: Xây dựng cơ sở hạ tầng kiên cố, thúc đẩy công nghiệp hóa bền vững và toàn diện, và tăng cường phát minh, sáng kiến

Mục tiêu 10: Giảm bất bình đẳng trong và giữa các quốc gia

Mục tiêu 11: Xây dựng các đô thị và cộng đồng dân cư toàn diện, an toàn, có khả năng chống chịu và bền vững   

Mục tiêu 13: Hành động khẩn cấp nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) và những tác động của BĐKH

Mục tiêu 15: Quản lý rừng bền vững, đấu tranh chống lại việc chặt phá rừng, ngăn chặn và phục hồi sự suy giảm đất và ngăn chặn quá trình suy thoái đa dạng sinh học

Về chính sách quốc gia, như đã nêu trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, dự án này sẽ giúp các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương của Việt Nam chuẩn bị tốt hơn đối với các tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai, phù hợp với Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu 2011. Dự án do Quỹ GCF tài trợ phù hợp với Đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC) và chiến lược quốc gia của Việt Nam thông qua một cách tiếp cận tích hợp. Dự án hỗ trợ các công việc về ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai do Chính phủ Việt Nam thực hiện, dựa trên Quyết định số 2139 / QĐ-TTg, 2011 (Chiến lược Quốc gia về Biến đổi Khí hậu năm 2011). Dự án nhấn mạnh đào tạo cộng đồng, tái sinh rừng ngập mặn, nhà ở an toàn, cũng như tăng khả năng tiếp cận với thông tin về biến đổi khí hậu và số liệu về rủi ro. Kết quả là, các cộng đồng ven biển ở Việt Nam sẽ bền vững hơn trước các tác động của biến đổi khí hậu, chẳng hạn như các cơn bão và lũ lụt khó dự đoán. Cộng đồng cũng sẽ có quyền tiếp cận các thông tin về khí hậu và thiên tai tốt hơn để giúp họ đưa ra quyết định làm thế nào để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Dự án sẽ lập kế hoạch và triển khai thực hiện có tính đến nhạy cảm giới nhằm đảm bảo mục tiêu bình đẳng giới đạt mức cao nhất. Dự án dự kiến ​​sẽ đạt được những kết quả sau:

Tăng cường các nhóm quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng (CBDRM), trong đó bao gồm ít nhất 30% nữ giới ở các vị trí ra quyết định.

Đưa ra các quyền lợi trực tiếp cho phụ nữ là những người thụ hưởng của dự án, đặc biệt là tại các xã sẽ xây dựng nhà ở an toàn và dễ bị tổn thương nhất với những biến đổi khí hậu.

Cung cấp các sản phẩm bao gồm các chiến lược áp dụng nhạy cảm giới để đảm bảo rằng phụ nữ được trao quyền hưởng lợi từ việc xây dựng nhà mới và trồng rừng ngập mặn, điều này sẽ cho phép họ ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu.

Nâng cao nhận thức của phụ nữ về rủi ro biến đổi khí hậu và hỗ trợ nhằm giảm thiểu rủi ro đối với công việc của họ, qua đó bảo vệ sinh kế và nâng cao năng lực thích ứng của họ.

Để đảm bảo các quan điểm của phụ nữ, những nỗ lực cụ thể đã và đang được thực hiện để tham khảo ý kiến ​​của họ cũng như thu thập thông tin liên quan đến tác động của biến đổi khí hậu đối với phụ nữ. Cụ thể, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là một đối tác của dự án và được lấy ý kiến tham vấn ở cả cấp Quốc gia và địa phương. Dự án có Kế hoạch và Hành động cụ thể cho mục tiêu này, bao gồm cả ngân sách và có thể truy cập thông tin này qua trang web sau: Kích tại đây

Quỹ Khí Hậu Xanh (GCF) là một quỹ toàn cầu mới được thành lập để hỗ trợ các nỗ lực của các nước đang phát triển ứng phó với các thách thức của biến đổi khí hậu (Giới thiệu về Quỹ GCF năm 2018). Đối với nhiều nước đang phát triển, việc giảm hoặc hạn chế phát thải khí nhà kính là một nhiệm vụ quan trọng của lộ trình hướng tới phát triển bền vững.

Để giảm thiểu hoặc hạn chế phát thải khí nhà kính (GHG), quỹ GCF giúp các nước đang phát triển thúc đẩy sự chuyển đổi sang mô hình phát thải khí thấp và ứng phó với khí hậu, có tính đến nhu cầu của các Quốc gia đặc biệt dễ bị tác động bởi biến đổi khí hậu (Giới thiệu về Quỹ GCF năm 2018). Để biết thông tin thêm về Quỹ Khí Hậu Xanh và những hỗ trợ đáng kể của Quỹ dành cho Việt Nam, xin vui lòng truy cập trang thông tin điện tử của Quỹ GCFtrang hồ sơ cụ thể của Việt Nam.