Thông cáo báo chí Thông cáo báo chí

An tâm khi có bão
Ngày đăng 13/02/2019 | 18:11

Việt Nam là một trong mười quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã bị ảnh hưởng bởi những hiện tượng thời tiết cực đoan thường xuyên và khó lường hơn, cùng với đó là những thiệt hại nặng nề về người và của. 

Bà Nguyễn Thị Mua và gia đình sống trong một cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương, nơi thời tiết ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn.

“Chúng tôi mơ về một ngôi nhà an toàn hàng đêm” bà Nguyễn Thị Mua nói.

Bà Mua cùng chồng và bốn người con đang sinh sống tại xã Vĩnh Hải, một xã ven biển Việt Nam, nơi thường xuyên phải hứng chịu thiên tai khắc nghiệt. Chỉ riêng trong năm 2017, Việt Nam đã hứng chịu 16 trận bão. Đã có hơn 350 người chết và hàng trăm ngàn ngôi nhà bị phá hủy.

“Chúng tôi đã phải vay mượn để sửa nhà rất nhiều lần sau bão”, bà Mua nói. Thông thường, khi tình hình trở nên quá tồi tệ, gia đình bà buộc phải tá túc tại nhà hàng xóm cho đến khi sửa lại ngôi nhà để có thể ở được.

Thiên tai dự kiến sẽ trở nên ngày càng khắc nghiệt ở Việt Nam, và thiên tai đã và đang khiến cộng đồng vốn dễ bị tổn thương lại càng có nguy cơ chịu rủi ro cao hơn.

Nhà bà Mua chỉ cách biển 300 mét, cùng với tình trạng xâm nhập mặn, sinh kế của gia đình nhờ vào việc bà trồng cấy trên mảnh đất của mình, nơi ngày càng bị thu hẹp.

Trước đây, hàng xóm của họ thường thuê họ thu hoạch lúa, đào khoai tây hoặc phụ làm xây dựng, những việc có thể giúp họ kiếm được khoảng 3 triệu đồng - 129 đô la Mỹ một tháng. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, cả bà Mua và chồng đều không đủ sức khỏe và không thể làm những công việc trên và điều đó có nghĩa là ngay cả nguồn thu nhập ít ỏi cũng khó kiếm được. 

Bà Mua, chồng và bốn người con sống cách biển chỉ 300 mét. Họ đã dùng các cánh cửa cũ để che chắn và chống chọi trong các trận bão.

“Chúng tôi đã không thể làm việc và kiếm được bất kỳ khoản tiền nào trong một vài tháng, bà nói. Tất cả số tiền ít ỏi mà chúng tôi kiếm được chúng tôi phải chi cho thức ăn, đóng tiền học cho con, và tiêu một vài thứ khác”.

Cho tới khi dự án UNDP-GCF được thực hiện, dường như một ngôi nhà an toàn là ao ước và sẽ vẫn là một giấc mơ. Nhưng giờ đây, bà Mua và gia đình bà Mua có quyền tự hào khi có được một ngôi nhà bê tông vững chắc - một trong hàng nghìn ngôi nhà đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam để chống chịu một tương lai khí hậu không chắc chắn.

Với sự hỗ trợ của Quỹ Khí hậu Xanh, UNDP và Chính phủ Việt Nam năm nay sẽ xây dựng hơn 1.300 ngôi nhà an toàn, trồng và tái sinh 1.300 ha rừng ngập mặn ven biển. Rừng ngập mặn không chỉ đóng vai trò là vùng đệm chống lại nước biển dâng, hấp thụ carbon, mà còn duy trì đa dạng sinh học và tạo cơ hội tăng them thu nhập cho người dân.

Kế hoạch trong năm nay của Dự án được tiếp nối từ kết quả đạt được của năm 2018 với 1.098 ngôi nhà chống chịu được xây dựng và 200 ha rừng ngập mặn được phục hồi.

Những công đoạn cuối cùng của quá trình xây ngôi nhà ở chống chịu bão lụt của bà Nguyễn Thị Mua. Các tính năng mới bao gồm một gác lửng để chống lũ, mái được gia cố và sử dụng xi măng chất lượng cao. 

Sáng kiến ​​này sẽ góp phần giúp Việt Nam đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững – vào thời điểm cuối dự án năm 2022, dự kiến 1,9 triệu tấn carbon dioxide sẽ được hấp thụ. 

Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta sẽ có một cuộc sống an toàn hơn, bảo đảm hơn cho các gia đình dễ bị tổn thương, đặc biệt các hộ gia đình có chủ hộ là nữ, người già neo đơn và gia đình có người khuyết tật.

“Đây là dự án đầu tiên trong khu vực ASEAN được Quỹ Khí hậu Xanh hỗ trợ. Dự án đã đạt được những thành công đáng kể và đang ngày càng được chú ý trên phạm vi toàn cầu” Đại diện thường trú của UNDP, bà Caitlin Wiesen cho biết. “Tôi hy vọng chúng ta có thể tiếp tục những thành công ấn tượng đã đạt được”.

Ngôi nhà mới của Bà Mua được xây dựng dựa trên một thiết kế do chính gia đình lựa chọn. Ngôi nhà được gia cố bằng mái và móng với tường xi măng chắc chắn, đồng thời có 1 gác lửng nơi họ có thể tránh trú mỗi khi có lũ. 

“Từ khi có ngôi nhà an toàn này, chúng tôi cảm thấy an toàn hơn nhiều. Bây giờ, nếu có lũ lụt chúng tôi có thể chuyển đồ đạc, gạo và sách vở của các con lên tầng lửng” bà nói.

Dự án của GCF tại Việt Nam là một phần của một sáng kiến ​​rộng lớn tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, nhằm mục đích hỗ trợ các nước đang phát triển chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng phát thải thấp và chống chịu biến đổi khí hậu.

Với bà Mua và gia đình bà, sự hỗ trợ này có ý nghĩa trong một từ - An tâm.  

“Giờ chúng tôi có một ngôi nhà an toàn để bảo vệ cuộc sống và tài sản rồi. Nhiều đêm nay chúng tôi không thể ngủ được vì cảm thấy quá hạnh phúc” bà Mua nói.

https://www.youtube.com/watch?v=zxdmfvYHGhg

Ảnh: UNDP Việt Nam / Phan Hương Giang